Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới sáng 8/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thêm 1.639 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng trên 3.060 người.

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới. Trong ngày, khu vực có 6 nước ghi nhận các ca mắc mới.

6h sáng 8/6, Bộ Y tế Việt Nam công bố thêm 2 trường hợp mắc COVID-19 mới, nâng tổng số người nhiễm virus corona tại nước ta lên 331.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính tới 6h sáng ngày 8/6, Việt Nam bước sang ngày thứ 52 không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Trong đó, tổng số người tiếp xúc gần với các ca nhiễm COVID-19 và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) tại Việt Nam là 9.088.

Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 3.062 người dân ở khu vực này, tăng 59 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 103.305 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 50.326 trường hợp.

Dù tổng số ca mắc COVID-19 tại Singapore cao nhất, song Indonesia mới là “ổ dịch” nghiêm trọng nhất khu vực, với tổng cộng 1.851 người tử vong. Malaysia sau một thời gian khống chế hiệu quả dịch bệnh, giờ đang đối mặt với mối lo ngại COVID-19 quay trở lại do liên tục ghi nhận các cơ dương tính mới trong mấy ngày qua.

Tuy nhiên, về tổng thể, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại ba nước Indonesia, Singapore và Philippines. Ngược lại, 6 nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đã bắt đầu nới lỏng các qui định giãn cách xã hội và khôi phục kinh tế.

Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới, dù xu thế dịch bệnh đang có chiều hướng giảm dần. Tính tới sáng 8/6 theo giờ Việt Nam, số ca mắc COVID-19 tại "xứ sở cờ hoa" đã vượt quá 2 triệu người.

Cụ thể, Mỹ đã ghi nhận 18.423 ca dương tình với virus SARS-CoV-2 và 370 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 và thiệt mạng tại nước này lên lần lượt 2.006.967 ca và 112.466.

Mỹ vẫn đứng đầu về ca mắc và tử vong do covid-19Mỹ vẫn đứng đầu về ca mắc và tử vong do covid-19

Hiện Mỹ đang đối mặt với nguy cơ một đợt bùng phát dịch bệnh mới khi các bang đang đẩy nhanh việc mở cửa trở lại.

Tại châu Âu, Chính phủ Anh thông báo sẽ mở cửa trở lại những địa điểm tôn giáo vào ngày 15/6  để cho "các tín đồ cá nhân" đến cầu nguyện trong bối cảnh nước này tiếp tục nới lỏng các hạn chế được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết ngày 7/6, nước này đã ghi nhận thêm 197 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm từ trước đến nay lên thành 234.998 trường hợp.

Số ca tử vong trong ngày là 53 trường hợp, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 lên thành 33.899 ca.

Trong những ngày qua, số ca nhiễm mới ở Italy cũng như số ca tử vong mỗi ngày đang trong chiều hướng giảm.

Riêng trong ngày 7/6, có tới 6 vùng ở Italy gồm Puglia, Friuli Venezia Giulia, Sardegna, Calabria, Molise và Basilicata không có ca nhiễm mới.

Cùng ngày, trong buổi đọc kinh truyền tin với các tín đồ tại Quảng trường Thánh Peter ở Vatican, Giáo hoàng Francis nói rằng giai đoạn tồi tệ nhất của dịch COVID-19 ở Italy đã qua đi.

Tuy nhiên, Giáo hoàng nhấn mạnh “cần phải cẩn thận, không được ăn mừng thắng lợi quá sớm và phải tiếp tục thực hiện các quy định về giãn cách

Ngày 7/6, chính phủ Hy Lạp thông báo kéo dài thêm 2 tuần lệnh phong tỏa đối với các trại di cư trên đảo và đất liền, trong bối cảnh nước này chuẩn bị mở cửa du lịch để khôi phục nền kinh tế.

Thông cáo của chính phủ Hy Lạp nêu rõ, các biện pháp phong tỏa sẽ được kéo dài thêm 2 tuần cho đến ngày 21/6. Trước đó, các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đối với các trại di cư đã được thực hiện từ ngày 23/3.

Theo thống kê, nước này hiện có hơn 33.000 người di cư đang sống trong 5 trại trên quần đảo Aegean và khoảng 70.000 người ở các cơ sở khác trên đất liền. Mặc dù cho đến nay, các khu vực này mới chỉ ghi nhận vài chục ca nhiễm Covid-19 và chưa có trường hợp nào tử vong ở các trại di cư, tuy nhiên chính phủ Hy Lạp vẫn quyết định áp dụng các biện pháp cứng rắn, để tránh nguy cơ bùng phát dịch ở các trại này. Bởi lẽ người di cư tại các khu vực này đang sống trong các điều kiện sinh hoạt rất thiếu thốn, chật chội và không được chăm sóc y tế.

Mở rộng ra toàn khu vực Mỹ Latinh, dịch COVID-19 đang lan rộng tại khu vực này, xét cả về chỉ số người mắc mới, số ca tử vong và tốc độ lây lan.

Tới hết ngày 7/6, Bộ Y tế Brazil cho biết nước này đã ghi nhận thêm 121 trường hợp tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong lên 36.078 người, trong khi số trường hợp nhiễm bệnh cũng lên tới 678.360 người.

Như vậy, Brazil là quốc gia có số người mắc COVID-19 cao thứ hai thế giới, sau Mỹ, trong khi số ca tử vong đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ và Anh. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ngày 6/6 cảnh báo có thể rút nước này khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nếu WHO không ngừng việc hoạt động như một “tổ chức chính trị có tính đảng phái” trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chile trong 24 giờ qua là quốc gia Mỹ Latinh có số ca tử vong cao nhất và cũng là cao nhất thế giới, với 649 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 2.190 người.

Peru cũng ghi nhận thêm 4.757 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 196.515 trong đó có 5.465 ca tử vong. Đến thời điểm hiện tại, Peru tiếp tục là quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai tại Mỹ Latinh, sau Brazil.

Mỹ có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang cố gắng làm chậm hay phá hủy sự phát triển vaccine Covid-19 của các nước phương Tây, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Rick Scott cho biết ngày 7-6.  Trong khi đó, Trung Quốc vừa công bố Sách Trắng về Covid-19.

“Chúng tôi phải chế tạo vaccine này. Thật không may, chúng tôi có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang cố gắng phá hủy hoặc làm chậm lại” - ông Rick Scott lên tiếng cáo buộc  trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình - “Trung Quốc không muốn cho chúng tôi… làm được điều này trước”.

Khi được hỏi Mỹ có bằng chứng gì về việc này, ông Rick Scott từ chối cung cấp thông tin chi tiết nhưng khẳng định có được thông tin từ nguồn tin tình báo. “Vaccine này thực sự quan trọng đối với tất cả chúng ta khi nền kinh tế khôi phục trở lại. Tôi tin rằng, dù là nước Anh chế tạo thành công vaccine trước hay chúng tôi thành công trước, chúng tôi sẽ chia sẻ. Tuy nhiên, điều đó sẽ không xảy ra đối với Trung Quốc”.

Trong khi đó, Trung Quốc cho biết nước này sẵn sàng đưa vaccine ngừa Covid-19 do nước này sản xuất phục vụ cho cộng đồng toàn thế giới ngay sau khi nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng thành công.

 Trang Nguyễn