Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 210.157 ca mắc COVID-19 và 4.201 ca tử vong. Dịch bệnh diễn biến căng thẳng nhất ở Mỹ Latinh, với con số ca tử vong đã vượt qua 200.000 người. Toàn thế giới ghi nhận 11.435.144 bệnh nhân đã bình phục, số ca nguy kịch hiện là 65.801 và 6.091.404 ca đang điều trị tích cực.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (52.783 ca), Mỹ (47.350 ca), và Brazil (24.801 ca); Mexico dẫn đầu về số ca tử vong (784 ca), tiếp theo là Ấn Độ (758 ca) và Brazil (488 ca).
Số liệu tổng hợp của hãng tin AFP công bố tối 2/8 cho thấy Bỉ là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới, với 85 ca/100.000 dân, tiếp đến là Anh với 68 ca, Andorra 67 ca, Tây Ban Nha 61 ca, Peru 59 ca, và Italy 58 ca.
Châu Âu hiện là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với 210.487 ca tử vong trong số 3.191.892 ca mắc, tiếp đến là Mỹ Latinh và Caribe với 200.212 ca tử vong trong số 4.919.054 ca mắc. Đáng chú ý, số ca tử vong ở Mỹ Latinh và Caribe đã tăng gấp đôi chỉ trong hơn một tháng qua. Các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất ở khu vực là Brazil, Mexico, Peru, Colombia và Chile.
Khu vực Bắc Mỹ gồm Mỹ và Canada đứng thứ ba với 163.424 ca tử vong trong số 4.737.084 ca mắc, tiếp đến là châu Á với 63.844 ca tử vong trong số 2.917.571 ca mắc, Trung Đông với 27.643 ca tử vong trong số 1.165.720 ca mắc, châu Phi với 19.930 ca tử vong trong số 945.248 ca mắc, châu Đại dương với 240 ca tử vong trong số 19.656 ca mắc.
Theo số liệu của hãng AFP tổng hợp từ các nguồn tin chính thức, đại dịch COVID-19 đã làm hơn 200.000 người ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe tử vong, trong đó gần 75% ghi nhận ở Brazil và Mexico.
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Rio de Janeiro, Brazil, ngày 15/7/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN
Cụ thể, số ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ Latinh và Caribe hiện là 200.212 ca, tăng gấp đôi chỉ trong hơn một tháng qua. Trong khi đó, tổng số ca mắc bệnh là 4.919.054 người. Như vậy, Mỹ Latinh hiện là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai trên thế giới, sau châu Âu với 210.425 ca tử vong trong số 3.189.322 ca bệnh. Khu vực Bắc Mỹ gồm Mỹ và Canada đứng thứ ba.
Các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất ở khu vực Mỹ Latinh là Brazil, Mexico, Peru, Colombia và Chile. Tuy nhiên, xét theo tỷ lệ mắc COVID-19 tính trên đầu người, Peru hiện đứng đầu khu vực, tiếp đến là Chile, Brazil, Mexico và Panama.
Tại Mỹ, trong 24 giờ qua đã có thêm 47.290 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca COVID-19 lên 4.811.899 trường hợp, trong đó có 158.322 ca tử vong. Bang Pennsylvania thông báo chứng kiến con số tăng vọt các ca COVID-19 trong bệnh nhân ở độ tuổi trẻ, đặc biệt là những người từ 19-24 tuổi. Trong khi số ca lây nhiễm ở nhiều bang vẫn đang trong tình trạng không thể kiểm soát, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết, tình hình ở bang này "đều là những tin tốt" khi nói đến các số liệu dịch bệnh hàng ngày. Trong số 58.951 trường hợp được xét nghiệm, chỉ có 531 người có kết quả dương tính trên toàn bang, tương đương tỉ lệ 0,09%. Từ tháng 3 đến nay, bang New York đã tiến hành trên 6 triệu xét nghiệm chẩn đoán COVID-19.
Tại châu Á, tình hình dịch COVID-19 cũng chưa có dấu hiệu lắng dịu. Ngày 2/8, thủ đô Tokyo của Nhật Bản ghi nhận thêm 292 ca mắc COVID-19, giảm so với mức tăng hơn 400 ca mỗi ngày trong 2 ngày qua. Thị trưởng Tokyo, bà Koike Yuriko trước đó cho biết thành phố này có thể phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp nếu tình hình dịch COVID-19 tiếp tục xấu đi.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 52.783 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên hơn 1.804.702 ca. Đây là ngày thứ năm liên tiếp Ấn Độ xác nhận hơn 50.000 ca mắc COVID-19 trong ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở quốc gia Nam Á này đang tiếp tục cải thiện, từ mức 3,33% hồi giữa tháng 6 lên 2,15%, mức thấp nhất kể từ khi lệnh phong tỏa toàn quốc đầu tiên được áp đặt ngày 25/3, và cũng thuộc hàng thấp nhất trên thế giới. Tổng số ca tử vong ở Ấn Độ hiện là 37.690 người.
Tại khu vực Đông Nam Á, ngày 2/8, Chính phủ Philippines tuyên bố sẽ tái áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn ở khu vực bên trong và xung quanh thủ đô Manila trong vòng 2 tuần, từ rạng sáng 4/8, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang phải vật lộn để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 khi tổng số ca bệnh đã vọt lên mức hơn 100.000 người. Theo đó, Tổng thống Rodrigo Duterte đã thông qua quyết định đặt khu vực Metro Manila và các tỉnh lân cận như Laguna, Cavite, Rizal và Bulacan dưới quy định "Cách ly Cộng động Tăng cường Sửa đổi" tới ngày 18/8.
Theo Bộ Y tế Indonesia, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 1.519 ca mắc COVID-19 và 43 ca tử vong. Như vậy, hiện Indonesia ghi nhận tổng cộng 111.455 ca mắc, trong đó có 5.236 ca tử vong.
Tại Trung Đông, Iran ngày 2/8 thông báo ghi nhận thêm 2.685 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, mức tăng trong ngày cao nhất kể từ ngày 8/7, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 309.437 ca. Số ca tử vong hiện là 17.190 ca. Tình hình dịch ở Iraq cũng rất phức tạp, với 2.095 ca nhiễm mới ngày 1/8, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 126.074 ca, trong đó có 4.805 ca tử vong. Tuy nhiên, ở chiều hướng tích cực, trong 24 giờ qua đã có thêm 1.841 bệnh nhân phục hồi, nâng tổng số người bình phục và được xuất viện lên 89.275 người.
Australia ngày 2/8 đã áp đặt lệnh giới nghiêm qua đêm tại Melbourne, thành phố lớn thứ hai của nước này, và cấm người dân đi xa nhà quá 5 km, nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh tại đây với hàng trăm ca nhiễm mỗi ngày. Bang Victoria chiếm phần lớn trong số các ca nhiễm mới ở Australia, quốc gia ngày 2/8 ghi nhận thêm 671 ca nhiễm mới và 7 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 tại nước này lên gần 18.000 ca với 208 ca tử vong.
Tại châu Phi, chính quyền Lagos - thành phố lớn nhất Nigeria - thông báo sẽ cho phép các nhà thờ và thánh đường mở cửa trở lại kể từ tuần tới. Tuy nhiên, số lượng người tới các địa điểm này không được vượt quá 50% so với sức chứa tối đa thông thường. Chính quyền thành phố Lagos cũng đã nới lỏng giới hạn số người được phép tập trung theo nhóm tại các địa điểm công cộng từ 20 lên 50 người. Tuy nhiên, các hộp đêm, rạp chiếu phim và một số địa điểm khác vẫn tiếp tục phải đóng cửa.
Trúc Mai