Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị

Ngày 02/11/2022, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến toàn Ngành tháng 11/2022. Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội Nguyễn Văn Cường; các Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn, Nguyễn Đức Hòa, Chu Mạnh Sinh và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tại điểm cầu địa phương có lãnh đạo bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố; lãnh đạo các phòng chuyên môn và bảo hiểm xã hội cấp huyện.

Tập trung đánh giá các chỉ tiêu chủ yếu cần hoàn thành

Tại Hội nghị, lãnh đạo Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có báo cáo đánh giá tổng thể về kết quả công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai nhiệm vụ của toàn Ngành 10 tháng năm 2022. Trong đó, tập trung thông tin về một số chỉ tiêu chủ yếu toàn Ngành đã đạt được, so sánh với năm 2021 và con số cần phấn đấu trong 2 tháng cuối năm 2022.

Tính đến hết tháng 10/2022, toàn quốc có trên 17,16 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 89,5% so với kế hoạch của Ngành, tăng hơn 1,6 triệu người (10,38%) so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 620.602 người (3,75%) so với hết năm 2021. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đã tăng nhiều so với cùng kỳ và cuối năm 2021. Tuy nhiên, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có tăng so với cùng kỳ nhưng hiện vẫn giảm gần 90.000 người so với hết năm 2021. Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 88,68 triệu người, tăng hơn 4,3 triệu người (2,18%) so với cùng kỳ, đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số. Tuy nhiên, vẫn giảm hơn 152.000 người so với hết năm 2021. Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp toàn Ngành lũy kế đến hết tháng 10/2022 là gần 344.436 tỷ đồng, đạt 81,27% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021…

Sau khi nghe báo cáo, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và bảo hiểm xã hội các địa phương đã tập trung phát biểu, thảo luận về các chỉ tiêu, nhiệm vụ liên quan. Ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, thẻ đánh giá, trong tháng 10, công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp toàn Ngành tiếp tục khởi sắc, các chỉ số đều tăng. Tuy nhiên, để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2022 vẫn còn khoảng cách không nhỏ. Trong đó, bảo hiểm xã hội cần phải phát triển hơn 02 triệu người (bảo hiểm xã hội bắt buộc hơn 01 triệu người, bảo hiểm xã hội tự nguyện hơn 900.000 người). Bảo hiểm thất nghiệp cũng cần tiếp tục phát triển hơn 1,1 triệu người và bảo hiểm y tế là hơn 03 triệu người. Đây là áp lực không nhỏ, vì vậy, ông Hào đề nghị, 02 tháng cuối năm, trong phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội các địa phương cần bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn rất cụ thể của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; soi lại các chỉ tiêu được giao, đánh giá tồn tại, hạn chế để có giải pháp cho phù hợp.

Trong đó, bảo hiểm xã hội các địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ gồm: Tập trung tham mưu chính quyền địa phương xây dựng, hoàn thiện các Nghị quyết về giao chỉ tiêu phát triển người tham gia; tham mưu Ban chỉ đạo phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của tỉnh để chỉ đạo, giao chỉ tiêu cho Ban chỉ đạo các cấp, đặc biệt là chỉ tiêu về bảo hiểm y tế; tham mưu, huy động sự vào cuộc của các cấp, doanh nghiệp, xã hội có thêm các chính sách, cơ chế hỗ trợ cho người khó khăn được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tăng cường phối hợp với các Tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn để khai thác người tăng mới và tái tục; linh hoạt các phương đóng để tạo thuận lợi cho người tham gia; huy động, tăng cường cán bộ ở các bộ phận khác cho công tác thu, phát triển người tham gia, bám sát cơ sở, tăng cường đào tạo cho đội ngũ nhân viên thu…

Về chính sách bảo hiểm y tế, ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế đã nêu một số lưu ý với các địa phương đang có số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cao, sử dụng trên 85% dự toán. Các địa phương này cần phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh các giải pháp giám sát, kiểm soát chi phí; đảm bảo thuốc, vật tư y tế. Về xử lý các vướng mắc, tồn đọng trong thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại một số địa phương, ông Phúc nhấn mạnh đây không phải là nợ đọng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam mà hầu hết các trường hợp này vướng do chưa đủ hồ sơ, thủ tục, điều kiện để thanh quyết toán. Bảo hiểm xã hội tỉnh và các đơn vị liên quan trên địa bàn cần tăng cường phối hợp để có hướng giải quyết dứt điểm.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Vụ Thanh tra - kiểm tra; Vụ Tài chính - Kế toán, Trung tâm Công nghệ thông tin cũng thông tin, lưu ý với các địa phương về các nghiệp vụ liên quan, nhất là các nghiệp vụ phục vụ cho công tác thu, phát triển người tham gia trong những tháng cuối năm như: Đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành đột xuất theo hình thức rút gọn; kiên quyết xử lý vi phạm hành chính khi phát hiện các hành vi vi phạm; công khai danh tính các đơn vị sử dụng lao động nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo Luật bảo hiểm xã hội; phối hợp với công an triển khai đôn đốc thu hồi nợ theo Quy chế phối hợp số 01 giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Công an; hướng dẫn chi kinh phí tuyên truyền trong phát triển người tham gia, chi thù lao đại lý; hướng dẫn sử dụng, điều chỉnh các phần mềm phục vụ công tác thu, quyết toán…

Tại Hội nghị, lãnh đạo bảo hiểm xã hội các địa phương gồm: Hà Tĩnh, Bắc Giang, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương cũng báo cáo tóm tắt về các kết quả đạt được, tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao của lãnh đạo Ngành; đặc biệt là các chỉ tiêu còn cần phấn đấu hoàn thành trong 02 tháng cuối năm; đồng thời nêu các giải pháp, cam kết hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Điểm cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh
Điểm cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh Hà Tĩnh

Tăng tốc, quyết tâm “về đích” trong 02 tháng cuối năm

Phát biểu tại Hội nghị, các Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Trần Đình Liệu, Lê Hùng Sơn, Nguyễn Đức Hòa, Chu Mạnh Sinh đã phát biểu, đánh giá về việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Ngành trong từng lĩnh vực phụ trách.

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đánh giá, công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của Ngành đang có nhiều khởi sắc, nhất là về bảo hiểm y tế, cho thấy nhận thức của người dân, người lao động về các chính sách này ngày được nâng cao. Để hoàn thành chỉ tiêu về phát triển người tham gia theo kế hoạch đã đề ra, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội trong thực hiện. Trong đó, cần tập trung vào nhóm học sinh, sinh viên (khoảng 3 triệu người chưa tham gia); người đang tạm dừng tham gia bảo hiểm y tế dưới 03 tháng (gần 01 triệu người)… để rà soát, đưa ra các giải pháp vận động kịp thời, phù hợp.

Trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa yêu cầu, bảo hiểm xã hội các địa phương tăng cường phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh có các giải pháp đảm bảo thực hiện dự toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế do Thủ tướng Chính phủ giao; giải quyết dứt điểm các vướng mắc, tồn đọng trong lĩnh vực này trên địa bàn; thực hiện quyết toán năm 2022 và ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2023.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội Nguyễn Văn Cường đề nghị, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương chuẩn bị các báo cáo, tài liệu phục vụ cho kỳ họp Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội sắp tới. Qua nghe báo cáo và ý kiến tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Cường lưu ý, trong phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần bám sát mục tiêu được nêu cụ thể trong Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương để cân đối, giao chỉ tiêu trong những năm tới. Đồng chí Nguyễn Văn Cường cũng giao Văn phòng Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội bổ sung các chỉ tiêu về phát triển người tham gia; kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế… vào đề cương bắt buộc giám sát tại các địa phương trong thời gian tới để cùng đồng hành, tháo gỡ khó khăn với Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của toàn Ngành trong thực thi nhiệm vụ 10 tháng năm 2022. Các kết quả đạt được là rất khả quan cho thấy sự quyết liệt vào cuộc của lãnh đạo các đơn vị, địa phương; duy trì tốc độ này, toàn Ngành sẽ hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Nguyễn Thế Mạnh cũng đánh giá, nhiệm vụ trong 02 tháng cuối năm của toàn Ngành vẫn còn rất nặng nề. Vì vậy, Tổng Giám đốc yêu cầu, toàn Ngành, tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong xây dựng, hoàn thiện các Luật liên quan đến nhiệm vụ của Ngành.

Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần khẩn trương, tăng cường hơn nữa công tác tham mưu huy động sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhất là có thêm các chính sách hỗ trợ mức đóng cho người tham gia trên địa bàn; huy động nguồn xã hội hóa, các nhà tài trợ để thêm nguồn lực hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Về các chỉ tiêu chủ yếu, toàn Ngành cần tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; tăng cường các giải pháp đôn đốc thu, giảm nợ, thu hồi nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình. Giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất. Tăng cường, chủ động kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, giải quyết dứt điểm các tồn đọng trong lĩnh vực này, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị liên quan. Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06 của Chính phủ; ưu tiên hoàn thiện các phần mềm nghiệp vụ đáp ứng tốt yêu cầu công việc của địa phương. Đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt.

“Toàn Ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tài chính; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; đẩy mạnh các phong trào thi đua nước rút, quyết tâm về đích trong 02 tháng cuối năm 2022” - Tổng Giám đốc nhấn mạnh.

Việt Anh