Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị

Các chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ

Ngày 05/08/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban cơ quan tháng 08/2022. Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh cho biết, trong tháng 07/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi các dự luật quan trọng liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ; tổ chức các hội nghị, hội thảo trong các lĩnh vực công tác, nghiệp vụ của Ngành, mang lại kết quả tích cực.

Tính đến ngày 31/07/2022, toàn quốc số người tham gia bảo hiểm xã hội là 16.880.493 người (đạt 34,1% lực lượng lao động) và đạt 88,0% kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao, tăng 333.636 người so với hết năm 2021; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt hơn 15,2 triệu người, tăng 451.024 người so với hết năm 2021; 91.760.722 người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 87,6% dân số.

Báo cáo đánh giá, tất cả các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế đều giảm so với năm 2021, đặc biệt số người tham gia bảo hiểm xã hộitự nguyện mới đạt 58,4% so với kế hoạch năm 2022.

Về giải quyết chế độ, chính sách, trong tháng Bảy, Bảo hiểm xã hội các cấp đã giải quyết  994.067 lượt người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (tính chung 07 tháng đầu năm, số người hưởng 7.622.562 lượt người, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, giải quyết chế độ ốm đau cho 6.008.303 lượt người, tăng 53,66% so với cùng kỳ 2021; thai sản cho 687.734 lượt người. Số người giải quyết hưởng mới bảo hiểm thất nghiệp là 82.996 người (tính chung 07 tháng là 526.453 người, tăng 110.701 người so với cùng kỳ năm 2021). Đáng chú ý, trong 07 tháng có 515.248 người được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp; 11.205 người được hỗ trợ học nghề. Chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho trên 78,2 triệu lượt khám chữa bệnh với số tiền 56.632 triệu đồng.

Trong tháng 07/2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục rà soát, tổng hợp, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ những khó khăn trong tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng chỉ đạo, đôn đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh triển khai thí điểm việc sử dụng CCCD gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an (VNEID) đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; kiểm tra, rà soát để cấp tạm ứng đối với các cơ sở y tế, đảm bảo kịp thời kinh phí phục vụ hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng kịp thời quán triệt, chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm cao nhất, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế đảm bảo ngay việc cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnhbảo hiểm y tế; yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh có văn bản gửi Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh báo cáo UBND tỉnh về việc phối hợp đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, không để người bệnh tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ. Đến 31/07/2022, hệ thống công nghệ thông tin của Ngành đã xác thực 48.272.089 thông tin nhân khẩu (bao gồm cả nhân khẩu có số CMND và CCCD) có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Toàn quốc đã có 7.308 cơ sở khám chữa bệnh triển khai sử dụng CCCD trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích mới và triển khai rộng rãi ứng dụng “VssID- BHXH số”. Tính đến 31/07/2022, trên toàn quốc đã có 26.381.733 tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được đăng ký, phê duyệt (dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID), trong đó có 737.807 người với 1.354.110 lượt sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh bảo hiểm y tế).

Nhận định khó khăn, tìm giải pháp

Bên cạnh kết quả đạt được, tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những khó khăn, hạn chế hiện nay bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã tăng so với cùng kỳ, nhưng tốc độ tăng còn chậm, nhất là bảo hiểm y tế vẫn giảm sâu so với thời điểm cuối năm 2021. Việc khai thác, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn hạn chế, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện dừng không tiếp tục tham gia có xu hướng tăng; số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn ở mức cao. Từ nay đến cuối năm 2022, toàn ngành phải phát triển 2.298.821 người tham gia bảo hiểm xã hội (trong đó có 1.350.465 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; 948.356 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; 1.354.755 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp) để hoàn thành kế hoạch đặt ra. Đặc biệt, đến tháng 07/2022, số người tham gia bảo hiểm y tế vẫn còn giảm 2.151.408 người so với cuối năm 2021, nên để đạt tỷ lệ bao phủ theo yêu cầu của Chính phủ, Quốc hội, ngành Bảo hiểm xã hội phải vận động thêm được 5.074.962 người tham gia bảo hiểm y tế. Số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp dù có giảm nhưng vẫn còn cao, đặc biệt vấn đề nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp phá sản chưa được giải quyết.

Về lĩnh vực bảo hiểm y tế tình trạng chi vượt trần, vượt dự toán, vượt tổng mức thanh toán vẫn còn xảy ra ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh; công tác tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại một số địa phương còn vướng mắc. Việc thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật thực hiện từ máy mượn, máy đặt của các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất trong thực tiễn đã phát sinh vướng mắc, bất cập, thậm chí tiềm ẩn nhiều nguy cơ lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế. Còn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số địa phương ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế…

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đánh giá, kết quả thu 07 tháng đầu năm đã phản ánh sự quyết tâm cùng các giải pháp sát sao trong việc phát triển đối tượng, tham mưu lãnh đạo các giải pháp, sửa đổi các quy trình khai thác đối tượng.

Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cũng cho rằng, nhiều tỉnh còn chậm, chưa quyết liệt làm theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nên kết quả công tác thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa được như mong muốn.

“Hiện đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng chủ yếu diện bắt buộc và so với cùng kỳ chưa đạt.

Do vậy, Ban Quản lý Thu, Sổ - thẻ cần sớm phân loại, làm việc với các tỉnh, phân loại những nhóm đối tượng giảm thì mới có giải pháp vận động, phát triển. Những tỉnh đang thấp nếu không triển khai mạnh sẽ không hoàn thành như TP.Hồ Chí Minh, một số tỉnh miền Tây và Tây Bắc.

Tương tự với bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng cần phân tích, đánh giá xem nhóm đối tượng giảm, giảm ở hệ thống đại lý nào, địa phương nào thì mới tìm ra giải pháp phù hợp.

Khẳng định những kết quả đạt được trong tháng Bảy cũng như 07 tháng đầu năm 2022 là sự cố gắng của toàn hệ thống bảo hiểm xã hội, các Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn cũng cho rằng, vẫn còn không ít khó khăn. Do đó, trong 05 tháng còn lại của năm 2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng như Bảo hiểm xã hội các địa phương phải quyết liệt, quyết tâm hơn nữa thì mới hoàn thành chỉ tiêu được giao, nhất là chỉ tiêu về bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế và đặc biệt việc thu hút lại người tham gia bảo hiểm y tế do ảnh hưởng của Quyết định 861…

Quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các Phó Tổng Giám đốc và lãnh đạo các đơn vị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định các ý kiến đều phản ánh thực tế triển khai chính sách, đã tập trung đưa ra những tồn tại, phân tích các nguyên nhân. Trong bối cảnh vừa qua, độ trễ của dịch Covid-19 vẫn còn, giá cả các mặt hàng tăng cao, chuỗi cung ứng lao động việc làm có tăng nhưng cục bộ… Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, kinh tế nước ta đã phục hồi và tăng trưởng khả quan, Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có những đóng góp tích cực.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh ghi nhận và đánh giá cao các kết quả mà toàn Ngành đã đạt được trong 07 tháng năm 2022 với sự quyết tâm, nỗ lực, trách nhiệm của mỗi đơn vị. Nhất trí với những nhận định về khó khăn, vướng mắc các đại biểu chia sẻ tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, trong những tháng còn lại, các đơn vị cần tập trung bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan liên quan theo thẩm quyền để triển khai kịp thời các chỉ tiêu, nhiệm vụ. Chủ động phối hợp các bộ, ngành để tham gia sửa đổi các luật liên quan; tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy trình đang còn vướng mắc.

Về giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc. “Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay là sự vào cuộc, quyết liệt của người đứng đầu. Vì vậy, thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thực hiện các giải pháp để tăng cường trách nhiệm của Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, Bảo hiểm xã hội các huyện”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ, đồng thời yêu cầu, Ban Quản lý Thu, Sổ- thẻ khẩn trương có đánh giá gửi từng địa phương nêu rõ thực trạng thực hiện phát triển người tham gia, các chỉ tiêu chưa hoàn thành để đôn đốc, nhắc nhở và tổ chức các cuộc làm việc trực tiếp với các địa phương đang ở nhóm yếu.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đẩy mạnh công tác truyền thông đảm bảo thiết thực, hiệu quả, hấp dẫn; tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền của Ngành và phối hợp, tham mưu tháo gỡ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.

Toàn Ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thực hiện phân công, phân nhiệm đảm bảo nguyên tắc: rõ người, rõ việc, rõ quy trình trách nhiệm; rõ kết quả; động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích, sáng kiến, cách làm hay; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thực thi công vụ, nhiệm vụ; đoàn kết, đồng lòng quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022.

Thái Bình