Hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, tỷ trọng của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tính theo sức mua tương đương (PPP) sẽ tiếp tục tăng nhờ các thành viên mới và đạt khoảng 38% vào năm 2028.

BRICS mở rộng đước dự báo sẽ vượt G7 về sức mạnh kinh tế vào năm 2040. Ảnh: RT
BRICS mở rộng đước dự báo sẽ vượt G7 về sức mạnh kinh tế vào năm 2040. Ảnh: RT

“Điều này tương ứng với những thay đổi khách quan trong nền kinh tế toàn cầu, trước hết là tầm quan trọng ngày càng tăng của BRICS. Trong khi đó, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ tiếp tục suy giảm vị thế", Thủ tướng Nga nhấn mạnh.

Theo dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tỷ trọng của G7 trong GDP toàn cầu theo PPP đã giảm đều đặn trong vài năm qua, từ 50,42% năm 1982 xuống còn 30,39% năm 2022 và dự kiến còn 29,44% trong năm nay.

Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cũng cho biết, các nước BRICS là động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ông chỉ rõ, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm của các nền kinh tế trong nhóm này dự kiến ​​sẽ vượt trội hơn G7.

Theo tờ Bloomberg, sản lượng kinh tế của nhóm BRICS mở rộng lớn hơn nhóm G7. Tính riêng trong năm 2022, khối này đã chiếm 36% tỷ trọng trong GDP toàn cầu, cao hơn mức 30% của nhóm G7.

“Các nhà phân tích dự báo, tỷ trọng kinh tế của nhóm BRICS mở rộng trong GDP toàn cầu tính theo PPP sẽ tăng lên 45% vào năm 2040, hơn gấp đôi so với mức 21% của nhóm G7. Trên thực tế, nhóm BRICS mở rộng và G7 sẽ hoán đổi vị trí cho nhau về quy mô kinh tế trong khoảng thời gian từ năm 2001 đến năm 2040” - tờ Bloomberg cho biết.

Nhóm kinh tế BRICS mở rộng gồm một số nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, gồm Ả Rập Saudi, Nga, UAE và Iran, cùng với một số quốc gia nhập khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo Bloomberg, nhóm BRICS mở rộng đã chuyển một số giao dịch dầu mỏ sang các loại tiền tệ khác, điều này có thể ảnh hưởng đến vị thế của đồng USD của Mỹ trong thương mại quốc tế và dự trữ ngoại hối toàn cầu”.

BRICS được thành lập vào năm 2006, ban đầu có 4 thành viên là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nam Phi gia nhập BRICS vào năm 2011. Nhóm đã có đợt mở rộng lớn trong năm nay khi Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) trở thành thành viên chính thức. BRICS hiện có dân số khoảng 3,6 tỷ người, tương đương 45% dân số thế giới.

Theo Reuters/Bloomberg