Tội phạm buôn người lắm chiêu dụ dỗ, lừa nạn nhân sập bẫy - Hình 1

 Số vụ mua bán người xảy ra tại Hà Nội rất thấp

Đánh giá tình hình mua bán người từ năm 2015 đến hết tháng 6/2017, đại diện Công an TP cho biết: Phòng PC45 đã làm tốt công tác phối hợp với các sở, ngành chức năng TP làm tốt công tác tuyên truyền tới người dân trên địa bàn thành phố, nhất là đối với số phụ nữ, trẻ em; làm tốt công tác điều tra cơ bản, rà soát và đưa vào diện quản lý đối với những đối tượng có tiền án về tội mua bán người hiện có điều kiện, khả năng phạm tội; những đối tượng khác có biểu hiện, dấu hiệu hoạt động tội phạm mua bán người. Bên cạnh đó, đã làm tốt công tác quản lý địa bàn, phối hợp với các lực lượng làm tốt quản lý tại các bến xe, các địa điểm tập trung đông người, bệnh viện phụ sản... để kịp thời phát hiện, ngăn chặn khi có tội phạm xảy ra. Ngoài ra, mạng lưới cộng tác viên cũng được xây dựng tại vùng biên để kịp thời nắm bắt các thông tin về tội phạm mua bán người...

Do làm tốt các công tác này, nên trong thời gian 2015-2017, số vụ mua bán người xảy ra tại Hà Nội rất thấp, chủ yếu ở các tỉnh ngoài, được Công an TP điều tra, khám phá. Cụ thể từ 2015 đến hết tháng 6/2017, Công an TP đã khám phá 7 vụ, bắt giữ 10 đối tượng, xác định 14 nạn nhân, trong đó nửa đầu năm nay bắt 2 vụ, với 2 đối tượng, có 6 nạn nhân. 

Tuy nhiên, theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP, tình hình tội phạm mua bán người tại Hà Nội vẫn có nhiều tiềm ẩn phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu do người dân ở các tỉnh đến đây tìm việc làm ngày càng tăng, số cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện và nhạy cảm về an ninh trật tự như vũ trường, quán bar, nhà nghỉ... cũng tăng theo. Việc thông thương, giao lưu buôn bán, đi lại giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN có nhiều thuận lợi, tạo điều kiện cho các loại tội phạm mua bán người hoạt động. 

Hà Nội là địa bàn trung chuyển “hàng” đi các tỉnh

Theo nhận định của CA TP Hà Nội, địa bàn Hà Nội vẫn được tội phạm mua bán người sử dụng làm nơi trung chuyển “hàng” đi các tỉnh tuyến biên giới phía Bắc như Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn và nạn nhân rơi vào tay bọn buôn người đều bị bán sang bên kia biên giới cho các chủ chứa mại dâm hoặc bị ép làm vợ người nước ngoài. 

Tội phạm mua bán người thường lang thang tới các vùng nông thôn để tăm tia, tìm mục tiêu là các cô gái trẻ, ham chơi, từ đó dụ dỗ, hứa hẹn xin việc làm có thu nhập cao, hay rủ đi du lịch ở các tuyến biên giới phía Bắc, rồi lừa gạt bán sang Trung Quốc. 

Qua trao đổi với một số nạn nhân của những vụ mua bán người, gần đây, tội phạm này thường dùng chiêu thức lên facebook để làm quen với các cô gái, sau đó cho quà đắt tiền để lấy lòng, rồi gạ gẫm, dụ dỗ các nạn nhân theo chúng lên biên giới và đưa sang Trung Quốc bán. Cháu Nguyễn Thị H (17 tuổi), quê ở Thái Nguyên, nạn nhân trong một vụ buôn người vừa được Công an Hà Nội giải cứu tâm sự: “Cháu rất tủi nhục vì trót nghe theo lời một bạn trai quen qua mạng internet. 

Lúc đầu, anh ta ngon ngọt hứa tìm cho việc làm tử tế ở khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Cháu tin và đi theo anh ta đến vùng giáp biên thì bị một nhóm người lạ đe dọa, ép sang Trung Quốc. Tại đây, cháu bị bọn buôn người đưa đến một quán ăn hoạt động mại dâm trá hình và hàng ngày phải tiếp từ 5 - 10 khách làng chơi”. Ngoài những “chiêu” trên, theo Thượng tá Vũ Mạnh Thường, gần đây tội phạm mua bán người còn dụ dỗ, lừa gạt những phụ nữ đang mang thai và những người khỏe mạnh để bán cho các đường dây buôn bán bào thai, nội tạng người trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam. 

Phương Thảo