Theo đó, đoàn công tác do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng đoàn làm việc với TP. Hồ Chí Minh về tình hình, kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; công tác xây dựng Đảng tại TP. Hồ Chí Minh từ sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi báo cáo trước đoàn làm việc về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội XI của Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Trong 02 năm qua, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh luôn tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nhằm đổi mới công tác quản trị thành phố, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng và phát triển thành phố; tập trung tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thể chế, nhất là trong lĩnh vực đầu tư. Đồng thời ưu tiên triển khai các dự án có tính cấp bách về y tế, giáo dục, nhà ở xã hội, cải thiện môi trường, các dự án giao thông trọng điểm kết nối giữa thành phố với các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tập trung huy động tối đa các nguồn lực; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước.
Cụ thể, năm 2021, năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết, thành phố chịu sự ảnh hưởng nặng nề và nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ chính trị và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vừa kiểm soát dịch bệnh, đưa thành phố trở lại với trạng thái “bình thường mới”, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm các hoạt động xây dựng Đảng theo Nghị quyết đề ra.
Công tác chính trị, tư tưởng tạo sự chuyển biến tích cực, nhất là qua giai đoạn phòng chống dịch Covid-19. Công tác tổ chức, cán bộ và đảng viên được quan tâm, gắn với việc tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Thành ủy trên các mặt công tác tổ chức xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được triển khai thực hiện phù hợp tình hình nhiệm vụ chính trị địa phương, đơn vị.
Đối với công tác xây dựng chính quyền, công tác dân vận cũng được quan tâm đặc biệt, phát huy hiệu quả và ngày càng thể hiện rõ nét trong điều kiện thành phố tập trung phòng chống dịch và phục hồi kinh tế; người dân TP luôn chung tay thực hiện các chủ trương, chính sách của thành phố.
Trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, với 9 nhóm giải pháp trọng tâm. Ngay khi TP. Hồ Chí Minh cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, Thành ủy đã chủ động ban hành Nghị quyết cho giai đoạn phục hồi, chỉ đạo ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2022 - 2025.
Với những giải pháp đó, tình hình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong 9 tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc và khá đồng bộ; từ mức tăng trưởng âm 6,78% vào năm 2021 đã đạt mức tăng trưởng dương 3,82% vào 6 tháng đầu năm 2022 (và dự kiến 9 tháng sẽ đạt 9,71%); quy mô, tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực cơ bản đạt trạng thái trước khi có dịch Covid-19 (Quy mô kinh tế/GRDP theo giá hiện hành của thành phố năm 2022 đạt 1.481.661 tỷ đồng, tăng 137.988 tỷ đồng/tăng 10,27% so với năm 2019/trước khi dịch; tương tự GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 157,8 triệu đồng, tăng 9,1 triệu đồng/tăng 6,12% so với năm 2019). Tổng thu ngân sách 09 tháng đầu năm 2022 đạt trên 90% (tương đương 350 ngàn tỉ); tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp tăng trưởng khá, thương mại - dịch vụ - du lịch phục hồi mạnh mẽ; thu hút FDI đạt 2,91 tỉ đô la.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận việc triển khai một số đề án, chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ Thành phố bị chậm. Một số dự án xây dựng kết cấu hạ tầng chưa được triển khai hoặc chậm tiến độ. Ảnh hưởng nặng nề của đại dịch đã tác động đến nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội giảm sâu trong năm 2021; mặc dù năm 2022 đã phục hồi nhưng sẽ ảnh hưởng chỉ tiêu chung của nhiệm kỳ…
Từ những kết quả và những khó khăn, hạn chế thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh xác định từ nay đến hết nhiệm kỳ sẽ tập trung cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và công tác dân vận. Trong đó có việc tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI về "xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh".
Trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp kiểm soát, thích ứng linh hoạt đối với đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với diễn biến tình hình.
Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Phan Văn Mãi kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư tiếp tục quan tâm chỉ đạo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trọng tâm là định hướng chiến lược, chủ trương và cơ chế để thành phố phát huy tiềm năng, thế mạnh, xây dựng và phát triển; Trung ương tiếp tục chọn Thành phố là nơi thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển, nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của Nhà nước không còn phù hợp.
Mở rộng việc phân cấp, phân quyền trên một số lĩnh vực nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Thành phố; hoàn thiện về thể chế cho TP Thủ Đức phù hợp với quy mô và vai trò theo mô hình thành phố trong thành phố; có chính sách tương xứng để phát huy tiềm năng, thu hút được nguồn lực phát triển trong đó có Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ưu tiên các nguồn lực tài chính để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch cấp quốc gia; đồng thời với chính sách và cơ chế huy động các nguồn lực tài chính mà Thành phố có nhiều lợi thế.
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Đảng đoàn Quốc hội quan tâm chỉ đạo tổng kết và tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14) kịp thời, đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện Nghị quyết mới của Quốc hội. Ban Cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tồn đọng liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP. Hồ Chí Minh. Định kỳ hàng năm và khi cần thiết tổ chức làm việc với TP. Hồ Chí Minh để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho Thành phố phát triển.
Nguyễn Tùng