Theo số liệu kiểm tra, xác minh của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy tỷ lệ nguyên vật liệu chính/chi phí giá thành chiếm 98% - 99%, giá trị gia tăng tạo ra sau quá trình lắp ráp rất thấp - chỉ chiếm 1-2% trong tổng chi phí giá thành sản phẩm.
Trong khi đó, mặt hàng tivi xuất khẩu mang nhãn hiệu Asanzo chỉ thực hiện lắp ráp đơn giản, các bộ phận của sản phẩm để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh thì không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo quy định hiện hành và có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo Việt Nam dùng slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” trong hoạt động quảng cáo và in trên bao bì nhiều sản phẩm. Trong khi đó, theo thông tin từ Bộ Khoa học công nghệ cuối tháng 7 vừa qua về việc cung cấp thông tin tài liệu liên quan đến thông tin, tài liệu về quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp, việc sử dụng slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”, Bộ Khoa học công nghệ không nhận được và không xử lý bất kỳ hồ sơ nào đăng ký chuyển giao công nghệ liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo Việt Nam và các công ty có liên quan. Như vậy, hành vi của Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo Việt Nam là hành vi lừa dối người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cũng đã phát hiện doanh nghiệp này đã sử dụng nhiều hóa đơn đầu vào bất hợp pháp để trốn thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng. Cụ thể: Doanh nghiệp khai thuế GTGT đầu ra, thuế GTGT đầu vào khấu trừ không đúng quy định; kê khai chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế TNDN không đúng quy định; bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn; không nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định. Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã truy thu và phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp này hơn 47,6 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 1 năm 2019, TAND cấp cao tại TP.Hồ Chí Minh đã tuyên xử “buộc Công ty Cổ phần Điện tử A Sanzo phải chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu “Asanzo, hình” dán trên giao diện trang website có địa chỉ http://asanzo.com.vn, biển hiệu, xe tải và các sản phẩm thuộc nhóm 07, 09, 11 (các sản phẩm điện tử, điện lạnh, tivi) đang lưu hành trên thị trường; xóa bỏ nhãn hiệu đã dán trên toàn bộ sản phẩm thuộc nhóm 07, 09, 11 đang lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam”.
Mặc dù vậy, Công ty CP Điện tử ASanzo vẫn ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu “Asanzo, hình” cho Công ty CP Tập đoàn ASANZO trên các sản phẩm và chưa xóa bỏ nhãn hiệu đã dán trên toàn bộ sản phẩm thuộc nhóm 07, 09, 11 đang lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo Lãnh đạo Tổng cục Hải quan, hoạt động đó của Công ty cổ phần Điện tử A Sanzo là không chấp hành bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, vi phạm các quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ.
Bảo Lâm