Quang cảnh buổi làm việc
Tôm hùm nước ngọt, hay còn gọi là Tôm hùm đất (tên khoa học Procambarus clarkii) là loài sống ở đáy ao hồ có thể đào hang trú ẩn sâu 1 - 2 mét.
Loại tôm này ăn tạp, có thể chịu được nhiệt độ từ 0 - 37 độ C và đã được xác định là loài thuỷ sinh ngoại lai có nguy cơ xâm hại cao đối với đa dạng sinh học của Việt Nam.
Chính vì vậy, việc nhập khẩu, kinh doanh, tiêu thụ loài thủy sinh này là vi phạm pháp luật.
Thời gian gần đây có tình trạng tôm hùm nước ngọt được đưa vào Việt Nam để tiêu thụ làm thực phẩm tại một số địa phương.
Thông tư số 35/2018 về danh mục loài ngoại lai xâm hại của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôm càng đỏ là loài ngoại lai xâm hại; còn tôm hùm đất là loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Việc kinh doanh, tiêu thụ hai loài này là vi phạm quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và thuỷ sản.
Các sở, ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn cũng đã triển khai các biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tổ chức giám sát các điểm kinh doanh hàng hoá, các phương tiện vận chuyển, đường mòn biên giới việc buôn bán, lưu thông tôm hùm nước ngọt và tôm càng đỏ.
Tính đến hết ngày 28/5/2019, cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn phát hiện và tiêu huỷ 1 vụ vận chuyển gần 50 kg tôm hùm nước ngọt. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, ngành chức năng của tỉnh còn lúng túng trong việc xử lý vi phạm; chưa thống nhất tên gọi, phân biệt loài tôm…
Tại buổi làm việc, đoàn công tác Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã chia sẻ những thông tin cần thiết để ngành chức năng tỉnh phân biệt tôm hùm nước ngọt và tôm càng đỏ trong quá trình kiểm soát; các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm về buôn bán, kinh doanh loài thủy sinh ngoại lai.
Tổng cục Môi trường đề nghị Cục Hải quan Lạng Sơn niêm yết danh mục các loài sinh vật gây hại, cấm xuất nhập khẩu để người dân nắm bắt thông tin.
Sau buổi làm việc, đoàn công tác sẽ báo cáo với lãnh đạo cấp trên để có văn bản hướng dẫn cụ thể các địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống loài thủy sinh ngoại lai này.
Nguyễn Kiên - Đặng Sinh