Tổng kiểm tra các “điểm nóng” nguy cơ cháy nổ - Hình 1

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ

Vấn đề bảo đảm an toàn PCCC nói chung, tại nhiều dự án chung cư cao tầng nói riêng, đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhìn nhận của Cục trưởng?

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu và sự phát triển của xã hội, tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM, ngày càng xuất hiện nhiều khu TTTM, khách sạn, chung cư cao tầng.

Đó là những công trình luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh cháy nổ, đe dọa trực tiếp đến tài sản, tính mạng của nhân dân. Tại đây, việc triển khai lực lượng, phương tiện để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên các tầng cao khi xảy ra sự cố cháy nổ là vấn đề khó khăn không chỉ đối với Việt Nam, mà đối với nhiều nước trên thế giới.

Trong giai đoạn đầu tư xây dựng, CĐT có trách nhiệm rất lớn trong thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC.

Theo quy định tại Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ thì các dự án, công trình tại Phụ lục IV ban hành kèm theo nghị định này (trong đó có nhà chung cư cao 5 tầng trở lên; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên) khi xây dựng mới, cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC.

Sau khi được cơ quan cảnh sát PCCC thẩm duyệt thiết kế, CĐT phải có trách nhiệm thi công theo đúng bản vẽ đã được duyệt, khi đạt các điều kiện sẽ được cấp GCN nghiệm thu về PCCC.

Tiếp theo, khi công trình đã được đưa vào sử dụng, ban quản lý, ban quản trị tòa nhà phải có trách nhiệm thành lập và duy trì hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ; tổ chức tốt công tác tự kiểm tra, kịp thời phát hiện, nhắc nhở xử lý các hành vi vi phạm quy định về PCCC; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, duy trì điều kiện hoạt động tốt của các hệ thống, phương tiện đã được trang bị, đặc biệt là các hệ thống thoát nạn, báo cháy, chữa cháy tự động, nguồn cung cấp nước chữa cháy…

Như vậy, nếu CĐT, ban quản lý, ban quản trị tòa nhà, người dân và các cơ quan chức năng liên quan thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, công tác PCCC nói chung và tại các chung cư cao tầng nói riêng sẽ được bảo đảm, giảm thiểu đến mức thấp nhất số vụ cháy cũng như thiệt hại về người, tài sản do cháy gây ra.

Vậy theo Cục trưởng, đâu là những khó khăn, tồn tại trong công tác này và biện pháp khắc phục ra sao?

Tại các chung cư, nhà cao tầng, còn tồn tại một số bất cập trong công tác PCCC.

Trước hết, đó là một số chung cư cao tầng, nhiều CĐT, ban quản lý, quản trị tòa nhà thiếu trách nhiệm trong việc duy trì các hoạt động PCCC; còn tình trạng không làm đúng theo nội dung cơ quan cảnh sát PCCC đã thẩm duyệt, đưa công trình vào sử dụng khi chưa được cơ quan cảnh sát PCCC nghiệm thu, chưa bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC theo quy định của pháp luật.

Một số nhà chung cư cao tầng đã tồn tại từ lâu, trước khi ban hành Luật PCCC không bảo đảm an toàn theo các quy định hiện hành, mà việc trang bị bổ sung hệ thống PCCC cho các công trình này gặp nhiều khó khăn về kinh phí, chế tài thực hiện; nhiều công trình các hệ thống PCCC xuống cấp, không hoạt động nhưng CĐT, ban quản lý không bố trí kinh phí khắc phục, sửa chữa…

Việc quản lý, sử dụng, kiểm tra, bảo dưỡng các hệ thống, thiết bị PCCC của các tổ chức, cá nhân, đơn vị vận hành các chung cư, nhà cao tầng chưa đúng quy trình, quy định dẫn đến nguy cơ mất an toàn như hệ thống thoát nạn không được duy trì theo chức năng, hệ thống PCCC bị hư hỏng... Ý thức người dân trong quá trình sử dụng các hệ thống, thiết bị PCCC chưa cao, còn một số hành vi như chèn, bịt, làm cản trở, mất tác dụng của hệ thống cửa, lối thoát nạn…

 Để bảo đảm an toàn PCCC công trình cao tầng, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công an, cảnh sát PCCC các địa phương triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến, tác động trực tiếp đến cơ sở; đồng thời công khai các công trình cao tầng vi phạm quy định an toàn PCCC trên các phương tiện truyền thông, tạo sự ủng hộ của dư luận, quần chúng đối với công tác bảo đảm an toàn PCCC công trình cao tầng.

Đối với một số công trình vi phạm, mặc dù lực lượng cảnh sát PCCC đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở, thậm chí lập biên bản xử phạt CĐT các công trình vi phạm; tuy nhiên, CĐT vẫn không thực hiện cam kết khắc phục, tiếp tục đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về PCCC.

Điều 36 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định rõ hành vi đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC sẽ bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng, như vậy, mức xử phạt đối với hành vi này đã là cao nhất theo khung xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC.

Khi các công trình này bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, các hộ dân sinh sống, kinh doanh tại đây cũng phải rời đi và chỉ có thể trở lại ổn định khi CĐT hoàn thiện mọi thủ tục, điều kiện theo quy định của pháp luật. Thực tế này, đặt ra một số bất cập trong quá trình xử lý.

Để đối phó với tình trạng trên, rất cần sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, có thể nói cần “mạnh tay” với những CĐT vi phạm.

Từ nhiều vụ cháy nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng gây hậu quả vô cùng đáng tiếc, gây hoang mang trong dư luận trong thời gian qua, với vai trò của mình, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ làm gì để góp phần bảo đảm an toàn PCCC?

Thời gian tới, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ tham mưu Bộ trưởng Bộ Công an có công điện chỉ đạo toàn lực lượng tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, trong đó tập trung vào các chung cư, nhà cao tầng, siêu cao tầng, cơ sở tại khu công nghiệp có sử dụng nguyên vật liệu dễ cháy, cơ sở dự trữ, kinh doanh xăng dầu, hóa chất dễ cháy nổ… Công an, Cảnh sát PCCC tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn, tồn tại, bất cập trong công tác PCCC, CNCH tại địa phương…

Bộ Công an sẽ thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra thực tế một số cơ sở chung cư, công trình cao tầng tại 7 địa phương có nhiều nhà cao tầng, siêu cao tầng (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. HCM và Vũng Tàu) để đánh giá thực trạng công tác PCCC. Trong quá trình kiểm tra, tập trung làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý, CĐT, ban quản lý dự án trong việc duy trì hoạt động của hệ thống PCCC và ý thức, nhận thức, kỹ năng thoát nạn của người dân…

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác này, Nhà nước và các cơ quan liên quan cần có những chính sách và hành động cụ thể ra sao?

Điều 5 Luật PCCC đã quy định: PCCC là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 55, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ đã quy định Bộ Công an có trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về PCCC trong phạm vi cả nước.

Nghị định cũng quy định rõ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an tổ chức thực hiện tốt việc quản lý nhà nước về PCCC, kịp thời giải quyết những tồn tại, bất cập trong công tác PCCC.

Các công trình cao tầng, khi xảy ra cháy nổ sẽ đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của nhân dân, vì vậy rất cần sự quan tâm vào cuộc, phối hợp của các cấp, các ngành trong triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp. Có thể lấy ví dụ, tại Hà Nội, thời gian qua, UBND Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp nhằm bảo đảm an toàn PCCC đối với công trình nhà cao tầng, chung cư cao tầng; chỉ đạo quyết liệt Sở Xây dựng, cảnh sát PCCC và các đơn vị liên quan hướng dẫn, đôn đốc CĐT khắc phục các nội dung tồn tại, vi phạm quy định về PCCC, kiên quyết xử lý vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng.

Đối với người dân, ông có những khuyến cáo như thế nào để bảo đảm an toàn PCCC?

Trước tiên, tôi xin khẳng định, việc sinh sống tại các chung cư cao tầng chưa bảo đảm an toàn về PCCC là rất nguy hiểm. Hiện nay, một bộ phận khách hàng mua căn hộ chưa nắm được các thủ tục về PCCC mà CĐT cần phải thực hiện đối với công trình, do đó vẫn tiến hành nhận căn hộ và không đề nghị CĐT xuất trình những thông tin - căn cứ cần thiết.

Trước khi quyết định mua chung cư, người dân cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ nội dung hợp đồng giữa CĐT và khách hàng có liên quan đến công tác PCCC; tuyệt đối không vào ở khi công trình chưa được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC.

Khi sinh sống tại các chung cư, người dân cần chủ động tìm hiểu và thực hiện nghiêm túc các nội quy, quy định PCCC của tòa nhà; có trách nhiệm bảo quản hệ thống, phương tiện PCCC và CNCH; lưu ý không có các hành vi như chèn, bịt, làm cản trở, mất tác dụng của lối thoát nạn, hệ thống cửa ngăn cháy, buồng thang bộ không nhiễm khói phục vụ thoát hiểm… Khi xảy ra cháy, phải hết sức bình tĩnh, vận dụng các kiến thức, kỹ năng PCCC và thoát nạn để có thể bảo vệ mạng sống và hướng dẫn mọi người cùng thoát nạn an toàn.

Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Thanh Hà (Thực hiện)