Tuy nhiên, với sự quyết liệt trong điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là trong việc triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường đầu ra cho sản phẩm, cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2016, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Kim ngạch xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng cao

Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng tốt, thể hiện trên cả hai phương diện quy mô và tốc độ tăng so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 176,6 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, đây là một kết quả khả quan trong tương quan so sánh với năm trước cũng như so sánh với các nước trong khu vực.

Theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố ngày 14/03/2017, kim ngạch xuất khẩu toàn cầu năm 2016 đạt khoảng 14.806 tỷ USD, giảm 2,6% so với năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu năm 2016 của một số nước trong khu vực giảm so với năm trước như Trung Quốc đạt 2.098 tỷ USD, giảm 7,7%, Ấn Độ đạt 264 tỷ USD, giảm 1,3%, Indonesia đạt 144 tỷ USD, giảm 3,9%, Malaysia đạt 189 tỷ USD, giảm 4,9%, Singapore đạt 330 tỷ USD, giảm 4,9%. Xuất khẩu của Thái Lan năm 2016 đạt khoảng 215 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% so với năm 2015.

Tổng quan về xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2016 - Hình 1

Xuất khẩu năm 2016 tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực

Tăng trưởng xuất khẩu đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện cán cân thanh toán, góp phần vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Đồng thời, tăng trưởng xuất khẩu cũng thể hiện sự phục hồi của sản xuất trong nước, góp phần tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có sự chuyển dịch tích cực

Cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến 2030. Nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng cao nhất (khoảng 80,3%), tiếp đó là nhóm hàng nông sản, thủy sản (khoảng 12,6%) và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản (khoảng 2%).

Tổng quan về xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2016 - Hình 2

Cơ cấu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2016 (Ảnh: Báo Hải quan)

Xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản đạt tăng trưởng cao, cùng với đó là sự phục hồi của khu vực kinh tế trong nước. Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản năm 2016 đạt hơn 22 tỷ USD, tăng 7,7% so với năm 2015 (năm 2015, xuất khẩu nhóm này giảm 7%).

Kim ngạch xuất khẩu khối doanh nghiệp trong nước đạt 50,4 tỷ USD, tăng 5,5% (năm 2015, xuất khẩu của khu vực này giảm 2,6%). Nhiều mặt hàng nông, thủy sản có mức tăng trưởng dương, trong đó, tăng trưởng cao nhất là mặt hàng rau quả đạt 2,46 tỷ USD, tăng 33,6% so với năm 2015.

Đáng chú ý là đây cũng là mặt hàng đã mở rộng, đa dạng hóa được thị trường thời gian qua. Trong 2 năm gần đây, trái cây Việt Nam liên tục thâm nhập được vào các thị trường mới, có yêu cầu chất lượng cao như vải, xoài vào thị trường Australia; vải, nhãn, thanh long (ruột trắng và ruột đỏ), chôm chôm vào thị trường Hoa Kỳ, xoài và thanh long ruột trắng vào thị trường Nhật Bản; thanh long (ruột trắng và ruột đỏ) và xoài vào thị trường Hàn Quốc và New Zealand,…

Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia, trong đó có khoảng 70 thị trường mà Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu trên 100 triệu USD.

Các doanh nghiệp tận dụng tốt lợi thế có được từ cam kết cắt giảm thuế quan của các nước đối tác FTA đối với hàng xuất khẩu có xuất xứ Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước này có tăng trưởng cao trong năm 2016. Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 22 tỷ USD, tăng 28,4%; sang Hàn Quốc đạt 11,4 tỷ USD, tăng 28%; sang Nhật Bản đạt 14,7 tỷ USD, tăng 3,9%; sang Ấn Độ đạt 2,7 tỷ USD, tăng 8,7%.

Tăng trưởng xuất khẩu góp phần cải thiện cán cân thương mại

Tổng quan về xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2016 - Hình 3

Năm 2016, xuất siêu khoảng 2,52 tỷ USD. Xuất siêu năm 2016 đạt được do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu, đã đảo ngược cán cân thương mại từ thâm hụt năm 2015 sang thặng dư năm 2016.

Thặng dư cán cân thương mại đã góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô. Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu và máy móc thiết bị phục vụ chủ yếu cho sản xuất trong nước và gia công, xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao (88%) tổng kim ngạch.

Những kết quả trên đây của hoạt động xuất nhập khẩu năm 2016 là tín hiệu tích cực, tạo tiền đề cho sự phát triển của xuất nhập khẩu nói riêng và cả nền kinh tế nói chung trong những năm tới. Tuy nhiên, đằng sau những con số này vẫn còn ẩn chứa một số tồn tại cần nhanh chóng khắc phục để hướng tới sự phát triển bền vững và hiệu quả của xuất nhập khẩu. Cụ thể là:

Mặc dù tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến bắt đầu gia tăng, nhưng vẫn còn tình trạng xuất khẩu sản phẩm thô ở nhóm hàng khoáng sản và một số mặt hàng nông sản, hoặc xuất khẩu theo hình thức gia công và phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (như đối với dệt may).

Chất lượng sản phẩm xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản còn chưa đồng đều, chủng loại còn đơn điệu. Năng lực cạnh tranh vẫn chưa được cải thiện nhiều, giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao… dẫn đến sự phát triển xuất khẩu chưa bền vững. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều mặt hàng nông sản, thuỷ sản xuất khẩu được sản xuất bởi các hộ gia đình phân tán, quy mô nhỏ lẻ; do đó khó kiểm soát chất lượng đầu vào và đầu ra của hoạt động sản xuất.

Công nghiệp chế biến các mặt hàng nông sản, thủy sản, khoáng sản chưa được tập trung đầu tư, phát triển theo kịp với yêu cầu của thị trường thế giới, mới tập trung phát triển theo chiều rộng, mà chưa phát triển theo chiều sâu.

Mặt khác, công nghiệp hỗ trợ còn chậm phát triển nên chưa sản xuất được các sản phẩm đủ về chất lượng, quy mô để có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Hưng Khánh (T/H)

Theo Báo cáo xuất, nhập khẩu Việt Nam 2016