Mỹ và Châu Âu ngấm đòn phản kinh tế từ chính các lệnh trừng phạt của họ

Kinh tế Mỹ năm 2022 gần như chắc chắn suy thoái, khi giá dầu tăng cao đẩy lạm phát lên khiến tiền lương thực tế của công nhân bị giảm tới 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, Washington tự tin, thông qua việc tác động vào Ukraine, họ sẽ khiến Tổng thống Putin mất quyền lực, năng lực chiến tranh của Nga bị phá hủy và quy mô nền kinh tế Nga sẽ bị giảm một nửa. Nhưng tất cả những mong muốn này cho tới giờ đều rất xa vời.

Ngược lại, chính nền kinh tế thế giới đang rúng động do các cú sốc về nguồn cung năng lượng và lương thực do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga. Chính sách tiền tệ chỉ có thể giảm lạm phát bằng việc ép người tiêu dùng ngừng mua, mà điều này lại khiến bên bán lẻ phải thanh toán kho hàng với giá thấp hơn và hạn chế nhu cầu về nguyên liệu thô. 

Trong khi đó, Nga kiếm được mức tiền kỷ lục 97 tỷ USD từ việc xuất khẩu năng lượng trong 100 ngày đầu tiên của cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine, theo một nghiên cứu của Phần Lan. Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước từ chối tham gia các lệnh trừng phạt của nhóm G7 nhằm vào Nga, được cho là đang mua dầu Nga với mức khấu trừ 30-40 USD mỗi thùng, trong khi các khách hàng Mỹ và Châu Âu phải mua dầu nguyên giá.

Giá năng lượng đã trở thành một nguyên nhân chính gây ra tình trạng lạm phát trong các nước G7. Theo một nghiên cứu của Asia Times, các thay đổi trong giá dầu dẫn tới 70% sự thay đổi hàng tháng trong Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI). Nghiên cứu này cho thấy, mức độ nhạy cảm của CPI Mỹ trước giá dầu trong thời kỳ từ tháng 02-05/2022 cao gấp khoảng 2 lần giai đoạn 15 năm trước đó.

Tổng thống Mỹ Biden (trái) và Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh Ukrgate
Tổng thống Mỹ Biden (trái) và Tổng thống Ukraine Zelensky. Ảnh Ukrgate.

GDP nước Mỹ quý I năm nay co ngót lại mức 1,9% so với năm trước. Mỹ chứng kiến mức giảm bất ngờ trong doanh thu bán lẻ tháng Năm (theo thông báo của Bộ Thương mại Mỹ vào ngày 15/06) và mức sụt giảm 14,4% về nhà xây mới so với tháng trước (thông báo vào ngày 16/06), cho thấy quý II năm 2022 sẽ lại chứng kiến một sự suy thoái kinh tế theo các tiêu chí tiêu chuẩn. Đây có thể sẽ là thảm họa cho đảng Dân chủ (Mỹ) trước kỳ bầu cử vào tháng 11 tới đây.

Ngoài Mỹ suy thoái kinh tế, các nước khác trong G7 cũng có nguy cơ đối mặt thảm họa tài chính.

Đồng Yên của Nhật Bản đã rơi tự do khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt tín dụng. Nợ chính phủ gấp 270% GDP và nửa trong số này thuộc sở hữu của ngân hàng Trung ương Nhật Bản, tăng khoảng 5% so với năm 2011. Với một dân số già hóa có xu hướng chi tiêu quỹ hưu trí nhiều hơn là tiết kiệm, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đang phải in thêm tiền. Chi phí phòng ngừa rủi ro trái phiếu chính phủ Nhật Bản đã tăng vọt trong tuần này lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Italy - nền kinh tế yếu nhất của Châu Âu, hứng chịu sự tăng vọt rủi ro nợ chính phủ, lên mức gần như nghiêm trọng.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã triệu tập một cuộc họp khẩn vào ngày 15/06 để xử lý tình trạng xấu đi của các thành viên yếu nhất và hứa hẹn những giải pháp chưa được cụ thể hóa nhằm ngăn ngừa nguy cơ "phân mảnh" của Liên minh Châu Âu.

Chính quyền ông Biden đã đánh giá quá thấp tác động gây lạm phát từ gói kích thích kinh tế hậu Covid-19 trị giá 6.000 tỷ USD - gói này được triển khai từ thời chính quyền ông Trump nhưng đã được tăng lên gấp đôi dưới thời ông Biden.

Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ cũng đánh giá thấp sự dẻo dai của nền kinh tế Nga và năng lực của quân đội Nga.

Việc thoát ra khỏi bờ vực này sẽ không dễ dàng, thậm chí có thể là bất khả thi đối với chính quyền Tổng thống Biden. Ông Biden từng dùng những lời lẽ nặng nề để tố cáo ông Putin. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin cũng từng tuyên bố Mỹ sẽ phá hủy năng lực gây chiến của Nga.

Giải pháp Ukraine nhượng bộ và những khó khăn

Việc Ukraine chấp nhận thỏa hiệp bằng các nhượng bộ về lãnh thổ trước Nga được xem là cách khả dĩ nhất để chấm dứt chiến tranh, tuy nhiên điều này có thể gây mất thể diện cho Washington.

Mặc dù vậy, một giải pháp chấm dứt chiến sự ở Ukraine thông qua đàm phán không phải là điều bất khả thi. Washington có thể tiếp tục mô tả bản thân là người bảo vệ chủ quyền Ukraine trong khi khuyến khích các nhà lãnh đạo Châu Âu thực hiện các biện pháp phi chính thức để ép Ukraine tham gia đàm phán với Nga.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin H Kahl vào ngày 14/06 tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không nói cho Ukraine cách thức đàm phán, nội dung đàm phán và thời điểm đàm phán. Họ sẽ tự xác định các điều đó cho chính mình". Ông Kahl là Cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden thời kỳ ông Biden làm Phó Tổng thống Mỹ.

Trong khi đó, Pháp và Đức vào ngày 15/02 đã yêu cầu Tổng thống Ukraine Zelensky tuân thủ thỏa thuận Minsk II, khi ấy được Nga ủng hộ. Theo đó, các khu vực nói tiếng Nga ở Donbass sẽ được trao quyền tự trị trong khuôn khổ một nước Ukraine có chủ quyền.

Theo gợi ý của Washington, Tổng thống Ukraine Zelensky đã bác bỏ một đề xuất vào ngày 19/02 của Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhằm tránh chiến tranh. 

Tạp chí Phố Wall ngày 01/04 phản ánh: "Ông Scholz thúc đẩy một giải pháp giữa Moscow và Kiev. Ông nói với ông Zelenksy ở Munich vào ngày 19/02 rằng, Ukraine cần từ bỏ ý định gia nhập NATO và tuyên bố trung lập như một phần trong thỏa thuận an ninh rộng lớn hơn cho Châu Âu giữa phương Tây và Nga. Thỏa thuận sẽ do ông Putin và ông Biden ký, đây là những người sẽ cùng bảo đảm an ninh của Ukraine. Ông Zelensky cho biết, ông Putin không đáng tin cậy cho một thỏa thuận như vậy và hầu hết người Ukraine muốn gia nhập NATO".

Về chuyện gia nhập NATO, Tổng thống Zelensky nhận được các bảo đảm của Mỹ và Anh - những nước đã đẩy mạnh cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Thứ trưởng Kahl nói, Mỹ sẽ không yêu cầu Ukraine cần phải làm gì nhưng điều này không ngăn được việc các chính phủ khác đưa ra các đề xuất mà ông Zelensky khó có thể chối từ. 

Khi Thủ tướng Đức Scholz, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Italy Draghi tới thăm Kiev, trợ lý Oleksiy Arestovych của Tổng thống Zelensky cho rằng: "Họ sẽ cố gắng đạt một thỏa thuận Minsk III. Họ sẽ nói rằng chúng tôi cần chấm dứt chiến tranh đang gây ra các vấn đề về lương thực và kinh tế, rằng người Nga và người Ukraine đang chết dần, rằng chúng ta cần giữ thể diện cho ông Putin, rằng chúng ta cần cho họ cơ hội quay trở lại xã hội thế giới".

Tờ nhật báo Die Welt của Đức bình luận: "Kiev đang bắt đầu nghi ngờ về sự đoàn kết của phương Tây. Đã có những tiếng nói kêu gọi hòa bình. Đặc biệt, một tuyên bố của Tổng thư ký NATO Stoltenberg đã chỉ ra sự thay đổi về cách tiếp cận".

Báo Die Welt nhắc lại phát biểu của Tổng thư ký NATO Stoltenberg vào ngày 12/06: "Vấn đề là thế này: Quý vị sẵn lòng trả giá như thế nào cho hòa bình? Bao nhiêu lãnh thổ? Bao nhiêu độc lập? Bao nhiêu chủ quyền? Bao nhiêu tự do?".

Hiện chưa rõ giải pháp cụ thể của chính quyền ông Biden trước thảm họa kép này. Nhưng họ có 2 sự lựa chọn đối lập rất rõ ràng: Hoặc là xuống thang, hoặc là tiếp tục lao vào một cuộc suy thoái thế giới và một cuộc khủng hoảng chiến lược ngày càng diễn biến phức tạp.

Nguồn Asia Times/Trung Hiếu biên dịch