Theo dự thảo ngân sách được công bố ngày 23/5, Tổng thống Donald Trump đề xuất tăng 10% ngân sách cho Lầu Năm Góc.
Như vậy, mức đề xuất này đã tăng hơn 50 tỷ USD so với mức ngân sách cơ sở năm 2017. Tuy nhiên, con số này chỉ nhiều hơn 3% so với các đề xuất mà chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama từng đưa ra.
Cụ thể, ngân sách quốc phòng được đề xuất cho tài khóa 2018 là 574 tỷ USD trong thời bình, thêm 65 tỷ USD chi tiêu bổ sung trong trường hợp xảy ra chiến tranh, tức là tổng cộng 639 tỷ USD.
Hồi tháng 2/2017, ông Trump đã cam kết "chi cho quân đội nhiều nhất trong lịch sử Mỹ," song các nhân vật "diều hâu" ngay trong đảng Cộng hòa vẫn cho rằng mức tăng mà Tổng thống đề xuất trên vẫn còn chưa đủ.
Chi tiêu cho quốc phòng của Mỹ tăng mạnh
Thượng nghị sỹ John McCain cảnh báo đề xuất này sẽ "chết yểu" ngay khi đưa ra Quốc hội Mỹ thảo luận. Ông McCain nhận định rằng sau nhiều năm cắt giảm ngân sách trong bối cảnh các mối đe dọa gia tăng trên thế giới, mức ngân sách này sẽ không cung cấp đủ các nguồn lực cần thiết để khôi phục độ sẵn sàng của quân đội Mỹ, xây dựng lại các năng lực quân sự và làm mới các ưu thế quân sự của Mỹ bằng việc đầu tư vào các năng lực hiện đại.
Dù chưa làm hài lòng giới "diều hâu" nhưng mức chi cho ngân sách quốc phòng Mỹ cao gấp nhiều lần so với Nga.
Tháng 3 năm nay, tạp chí quân sự Jane's dẫn số liệu từ cơ quan ngân khố liên bang Nga cho biết, ngân sách quốc phòng của nước này được cắt giảm đi 25,5%, từ 65,4 tỷ USD xuống còn 48,4 tỷ USD trong năm 2017. Đây là mức cắt giảm lớn nhất từ đầu những năm 1990.
Sự cắt giảm ngân sách quốc phòng đến mức kỉ lục đã đưa Nga rời khỏi vị trí nước có chi tiêu quân sự lớn thứ 4 thế giới mà rơi xuống vị trí thứ 8, sau Ấn Độ và Pháp.
Sau khi cắt giảm, tổng ngân sách quốc phòng Nga thậm chí còn ít hơn số tiền mà Tổng thống Donald Trump muốn cấp bổ sung cho quân đội Mỹ.
Trước đó, trong giai đoạn 2011 – 2015, mỗi năm ngân sách của Nga tăng trung bình gần 20%. Mặc dù con số này khá ấn tượng nhưng theo nhận định của các nhà kinh tế, lạm phát hàng năm trên dưới 15% đã ảnh hưởng nhiều đến số tiền thực tế mà Nga đầu tư cho quốc phòng.
Sự cắt giảm ngân sách quân sự trong năm 2017 phản ánh một nền kinh tế yếu kém của Nga do phải hứng chịu giá dầu sụt giảm nghiêm trọng và ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tổng thống Vladimir Putin từng nhấn mạnh rằng, Nga sẽ không bị lôi kéo vào cuộc chạy đua vũ trang tốn kém mới. Nga sẽ không đe dọa bất kỳ ai, tất cả các tranh chấp sẽ tìm cách giải quyết trên bàn đàm phán. Nga sẽ tiếp tục thực hiện theo phương châm này trong tương lai và tuân thủ nguyên tắc này.
An Nhiên - Baodatviet