Canh Triều Tiên tại Úc
Theo Daily Mail, Thủy quân lục chiến Mỹ ngày 18/4 bắt đầu tới khu vực miền bắc Australia trong đợt triển khai quân kéo dài 6 tháng. Lực lượng này sẽ tham gia các cuộc tập trận cùng với quân đội Australia và Trung Quốc.
Chương trình triển khai thường niên trong vòng 25 năm qua do cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng năm 2011, một phần của chiến dịch ''xoay trục'' sang châu Á của Mỹ.
Bắt đầu từ năm 2012, Mỹ đã luân chuyển một đơn vị thủy quân lục chiến nhỏ tới TP Darwin. Kế hoạch triển khai 2.500 đặc nhiệm tác chiến trên không và trên bộ (cũng thuộc lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ) tới Úc vào năm 2016 sau đó bị hoãn cho tới năm 2020.
Cùng với 1.250 lính thủy quân lục chiến tới Darwin là 13 máy bay, 4 máy bay Osprey, 5 trực thăng Super Cobra và 4 trực thăng Huey, nhiều gấp 3 lần so với các đợt triển khai những năm trước. Các lính thủy đánh bộ đến từ tiểu đoàn 3, trung đoàn bộ binh 4 tại Trại Pendleton, bang California – Mỹ.
Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tới Darwin.
Phát biểu với báo giới sau khi lực lượng Mỹ tới cảng Darwin, Trung tá Brian Middleton, chỉ huy lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ, cho hay quy mô triển khai quân và cùng các khí tài quân sự ngày càng lớn hơn so những năm trước cho thấy Mỹ đánh giá cao vị thế của khu vực này. Ông Middleton nhấn mạnh khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương có tầm quan trọng chiến lược.
''Đơn vị chiến đấu không quân lần này là đợt triển khai mạnh nhất của chúng tôi tại Darwin'', ông Brian Middleton nói.
Trước những đồn đoán rằng Mỹ gia tăng các hoạt động đe dọa quân sự đối với Triều Tiên, Trung tá Middleton cho biết, quyết định triển khai số máy bay nhiều hơn tới Australia được đưa ra trước những biến động gần đây trên bán đảo Triều Tiên, trong đó có vụ thử tên lửa ''tầm trung'' của Bình Nhưỡng hôm 16/4.
''Một khi thủy quân lục chiến Mỹ đang trong giai đoạn triển khai, họ đã sẵn sàng cho trận chiến. Tôi nghĩ rằng cam kết triển khai một lực lượng đặc nhiệm tới Úc cho thấy Mỹ xem đây là một khu vực quan trọng'', ông Middleton nhấn mạnh.
Mặc dù không đưa ra bình luận về hải trình của tàu sân bay USS Carl Vinson, tuy nhiên việc triển khai quân tại Darwin lần này chắc chắn có mối liên hệ với thông tin nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson đang xuống nam Ấn Độ Dương qua eo biển Sunda (Indonesia) để tham gia tập trận với Úc.
Rung cây
Như vậy, sự mập mờ trong việc triển khai nhóm tàu sân bay tác chiến USS Carl Vinson của Lầu Năm Góc đã khiến tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng. Nó cũng khiến không ít nước bị cuốn vào vòng xoáy này trong đó có cả Nga và Trung Quốc.
Đối với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa dùng biện pháp quân sự với Triều Tiên, sẵn sàng gây tác động tới Bình Nhưỡng bằng mọi phương pháp, trong đó đặc biệt là qua kênh tác động của Trung Quốc.
Ông Trump thậm chí còn đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình truyền đạt đến ban lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên rằng, Washington không chỉ có tàu sân bay mà có cả tàu ngầm hạt nhân.
Theo bản tin, Tổng thống Trump nói rằng, việc gửi biên đội tàu sân bay CVN-70 USS Carl Vilson tới bán đảo Triều Tiên là một động thái răn đe Bình Nhưỡng trước các hành động tiếp theo.
Tuy nhiên, trong khi tàu sân bay USS Carl Vilson thong dong đến Úc chuẩn bị tập trận thì Trung Quốc đã vội vàng triển khai nhiều thiết bị quân sự và 150.000 quân đến sát biên giới Triều Tiên do lo sợ chiến tranh. Thông tin này được Hàn Quốc và truyền thông Phương Tây đưa rầm rộ dù Trung Quốc phủ nhận.
Nga, Trung bị Mỹ lôi vào vòng xoáy Triều Tiên ?
Về phía Nga, trước những căng thẳng diễn ra trên bán đảo Triều Tiên, cả Nga và Trung Quốc đều ra sức kêu gọi 2 nước bình tĩnh và không để tình hình tới mức không thể kiểm soát.
Mặt khác, Nga lập tức triển khai nhiều thiết bị quân sự đến Vladivostok, khu vực chỉ cách biên giới Triều Tiên khoảng 15km. Vladivostok là khu vực nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.
Daily Star cũng đăng tải một đoạn video được ghi lại bởi nhân chứng cho thấy, đoàn xe bao gồm xe tăng, tên lửa phòng không đang di chuyển tại thành phố này.
Đây được coi là động thái chủ động an toàn của Moscow, đề phòng trường hợp Mỹ triển khai quân sự tới bán đảo Triều Tiên, khiến tình hình trở nên tồi tệ.
Tuy nhiên, cùng với sự mập mờ của Donald Trump, hiện chưa có dấu hiệu chứng minh rằng Mỹ sẽ triển khai quân đến bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới.
Trung Kiên - Baodatviet