Trả lời phỏng vấn nhật báo Financial Times của Anh, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nêu ra 3 kịch bản của Ukraine sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Tổng thống Ukraine Zelensky nhấn mạnh, kết quả bầu cử có thể ảnh hưởng đến đường lối hỗ trợ tiếp theo của các đồng minh phương Tây dành cho Ukraine.

Tổng thống Ukraine thừa nhận đối mặt với cuộc xung đột 'bất khả thi' nếu bị Mỹ cự tuyệt 'Kế hoạch chiến thắng'. (Nguồn: AFP)
Tổng thống Ukraine thừa nhận đối mặt với cuộc xung đột 'bất khả thi' nếu bị Mỹ cự tuyệt 'Kế hoạch chiến thắng'. Nguồn AFP.

Theo Tổng thống Zelensky, kịch bản đầu tiên là vẫn duy trì chính sách hỗ trợ như hiện nay, nhưng với sự dè dặt và thận trọng từ phía một số đối tác - vốn vẫn cảnh giác với những rủi ro và tình trạng leo thang có thể xảy ra.

Ông lưu ý các đồng minh này vẫn có thể tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, song sẽ bị hạn chế trong một số hành động vì sợ làm xung đột trở nên tồi tệ hơn.

Mặc dù ông Zelensky không nêu ra 2 kịch bản còn lại trong cuộc phỏng vấn, nhưng truyền thông Ukraine, cụ thể là cổng thông tin Strana, cho rằng, chúng có thể bao gồm khả năng giảm hỗ trợ cho Ukraine hoặc buộc Kiev phải ngồi vào bàn đàm phán và đóng băng xung đột.

Theo giới phân tích, lựa chọn thứ ba là tăng mạnh hỗ trợ quân sự cho Ukraine, kể cả việc áp dụng “Kế hoạch chiến thắng” của Tổng thống Zelensky, nhằm triển khai những hành động tích cực hơn để giải phóng hoàn toàn các vùng lãnh thổ của Ukraine.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Zelensky cũng nhấn mạnh việc Ukraine sẽ tiếp tục dựa vào phương Tây, nhưng tình hình chính trị ở Mỹ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ và khối lượng viện trợ quân sự.

Cũng trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Zelensky cho rằng, biên giới của Ukraine sau khi kết thúc xung đột phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, song Kiev sẽ không công nhận việc mất lãnh thổ về mặt pháp lý.

Trong khi đó, về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden ngày 18/10 thừa nhận, chính quyền của ông chưa đạt được sự đồng thuận về việc dỡ bỏ hạn chế sử dụng vũ khí do Washington cung cấp để Ukraine tấn công các mục tiêu nằm sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Trước khi lên chuyên cơ Air Force One rời Berlin (Đức), khi được hỏi liệu có khả năng thay đổi quyết định về vũ khí tầm xa hay không, Tổng thống Biden đáp: “Trong chính sách đối ngoại, không bao giờ có chuyện ‘Tôi không bao giờ thay đổi ý kiến’. Hiện tại, chưa có sự đồng thuận về vũ khí tầm xa”.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không chỉ thảo luận về khả năng cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây để chống lại Moscow, mà về cơ bản đang quyết định có trực tiếp tham gia cuộc xung đột Ukraine hay không.

Theo ông, sự tham gia trực tiếp của các nước phương Tây sẽ làm thay đổi bản chất của cuộc xung đột và Moscow sẽ buộc phải đưa ra quyết định dựa trên những mối đe dọa mới đối với nước Nga.

Theo Sputnik, Financial Times