Theo đó, kỳ nghỉ lễ Tết Dương lịch 2023 kéo dài 03 ngày, cộng với thời tiết thuận lợi nên lượng khách đến các khu, điểm du lịch khá đông. Đặc biệt, các điểm đến nội tỉnh là lựa chọn hàng đầu của du khách trong dịp này.
Sự chủ động của Thanh Hóa đã ngay lập tức tạo ra sức bật mạnh mẽ cho ngành du lịch tại địa phương này. Với chiến lược đầu tư đồng bộ và sự tham gia của các tập đoàn uy tín cùng hàng loạt dự án quy mô, tầm cỡ, Thanh Hóa đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành điểm đến du lịch hiện đại, giàu trải nghiệm, từng bước xóa bỏ điểm yếu du lịch mùa vụ.
Trong nghỉ lễ Tết Dương lịch 2023, để thu hút du khách, một số khu, điểm du lịch và khu nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức thành công các hoạt động đón chào năm mới 2023, chương trình biểu diễn nghệ thuật, vui chơi giải trí, trải nghiệm... Trong đó, các điểm du lịch sinh thái cộng đồng, văn hóa - lịch sử - tâm linh đặc biệt thu hút khách du lịch trong dịp này. Cụ thể, Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc) đón khoảng 1.800 lượt khách; khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân) đón 3.000 lượt khách; suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy) đón 1.300 lượt khách.
Đặc biệt, tại khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông tiếp tục ghi nhận công suất phòng đạt 100% trong kỳ nghỉ lễ với 73 cơ sở dạng homestay, khu nghỉ dưỡng, trong đó có 104 nhà sàn, 152 bungalow luôn kín khách, ước tính đã đón 3.200 lượt khách.
Thanh Hóa có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc trưng, có 102 km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng trong cả nước; có núi, rừng, sông, hồ, hang, động hùng vĩ, cảnh quan nên thơ. Cùng với đó là hệ thống di tích lịch sử văn hóa dày đặc, với trên 1.500 di tích được kiểm kê, xếp hạng; trên 300 lễ hội truyền thống; nhiều nét đặc sắc văn hóa, sinh hoạt, sản xuất của người dân tộc thiểu số... là một trong những cơ sở quan trọng để Thanh Hóa tổ chức khai thác, phát triển nhiều loại hình du lịch đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch.
Hoài Thu