Gồng mình sống chung với rác
Người dân tại thôn Lò, xã Tân Mỹ, TP. Bắc Giang vô cùng bức xúc làm đơn kiến nghị, kêu cứu tới các cấp chính quyền, cơ quan báo chí về việc ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng bởi rác thu gom về bãi chôn lấp rác thải thành phố Bắc Giang ngày càng nhiều. Khoảng cách từ bãi rác đến nhà dân sinh sống quá gần khiến họ phải chịu sống trong mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng côn trùng sinh sôi, là tác nhân gây ra nhiều bệnh tật, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Đơn kiến nghị của tập thể người dân thôn Lò, xã Tân Mỹ
Thế nhưng, khó khăn chưa được tháo gỡ thì người dân lại nhận được thông tin từ bãi rác đó sẽ mọc lên một nhà máy xử lý rác lớn hơn gấp nhiều lần, công suất 500 tấn/ngày tức là gấp hơn 12 lần lượng rác thu gom hiện tại. Điều này khiến hàng trăm nhân khẩu trên địa bàn thôn hoang mang, lo sợ, tổ chức họp dân tìm cách đưa tiếng nói, cầu cứu đến chính quyền các cấp, mong được cải thiện tình hình.
Hơn 50 hộ dân tổ chức họp ngày 12/5/2019
Có mặt tại buổi họp dân ngày 12/5/2019 tại thôn Lò, xã Tân Mỹ, PV ghi nhận sự có mặt đông đủ của hơn 50 hộ dân. Nội dung họp xoay quanh việc người dân đang phải gánh hậu quả của ô nhiễm môi trường hiện tại và thể hiện quan điểm chung về việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải Thành phố Bắc Giang trong thời gian tới.
Ông Đỗ Văn Hải (Thôn Lò, Tân Mỹ) cho biết: “Từ ngày bãi chôn rác trở về đây, một bầu không khí ô nhiễm quá nặng nề, ngày đêm đối diện với mùi hôi thối, người dân mắc nhiều bệnh trọng như phổi, gan, bệnh hô hấp và bệnh ngoài da. Trâu bò chăn thả khu vực quanh bãi rác thì bị chết đột ngột. Trồng hoa màu thì không dám lấy nước tưới vì quá đen bẩn, nuôi cá thì cá chết hết, đến nước ăn trước đây chúng tôi đào giếng khoan để lấy nước nhưng đến bây giờ phải đi gánh nước, mua nước”.
Nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề
Cùng quan điểm đó, ông Bùi Như Đạm (Thôn Lò, Tân Mỹ) tiếp lời: “Cả khu vực bãi rác nằm trong vùng chiêm trũng, mỗi lần mùa mưa tới, cả khu vực đó bị ngập, các bể chứa nước ép rác thải cũng ngập, nước tràn ra. Lợi dụng việc đó, họ đã dùng bơm, bơm thẳng trực tiếp nước thải từ bể chứa ra thẳng sông mà không qua xử lý. Bãi rác thải nằm trong khu vực thành phố đó là sự bất hợp ý, đi ngược lại với chủ trương đưa ô nhiễm ra ngoài khu dân cư. Khi chúng tôi kêu nhiều thì họ bơm nước thải ra sông vào ban đêm, không bơm vào ban ngày nữa”.
Ông Bùi Như Đạm có ý kiến trong buổi họp " sống trong ô nhiễm, ảnh hưởng lớn tới đời con, cháu sau này..."
Ông Đỗ Văn Giao (Thôn Lò, Tân Mỹ) có ý kiến về khoảng cách từ "bãi rác đến cụm dân cư Thôn Lò quá gần, ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống của dân".
Cũng tại buổi họp, Ông Đỗ Xuân Giao cho biết thêm: “Gần đây qua báo, đài dân chúng tôi nghe được tin sẽ xây dựng dự án nhà máy xử lý rác thải với diện tích trên 9ha trên đất bãi rác. Chúng tôi không hề được cơ quan chính quyền nào thông báo. Chúng tôi rất hoang mang,vì cho dù nhà máy xây dựng trên phường Đa Mai nhưng lại sát kề với khu dân cư sinh sống thôn Lò, xã Tân Mỹ. Khoảng cách từ chân lò đốt đến nhà dân gần nhất chưa đến 200m. Thiết nghĩ một bãi rác nhỏ gây ô nhiễm môi trường còn chưa xử lý, vậy một nhà máy quy mô như vậy mà đưa về đây, nằm trọn trong khu vực cư dân sinh sống thì chúng tôi sẽ sống ra sao, đời con cháu sẽ mắc những bệnh gì?”.
Khoảng cách từ bãi rác đến nhà dân bằng một con đường liên thôn
“Xây dựng nhà máy rác thải thì chính quyền phải tổ chức tham vấn ý kiến của dân chúng tôi, nhưng theo tôi được biết ngày 13/5/2019, bên phường Đa Mai có tổ chức tham vấn, nhưng dân chúng tôi không được mời, trong khi người chịu ảnh hưởng trực tiếp nặng nề nhất là dân thôn Lò chúng tôi. Tôi phản đối việc xây dựng nhà máy này ở đây, yêu cầu chính quyền di dời nhà máy đi chỗ khác hợp lý hơn, hoặc tái định cư cho dân chúng tôi để an tâm sinh sống”,ông Nguyễn Văn Mỹ (Thôn Lò, Tân Mỹ) bức xúc.
Bà Trần Thị Lập ý kiến: “Tôi được biết, đơn vị sẽ về xây dựng nhà máy là một nhà thầu Trung Quốc, sử dụng công nghệ Trung Quốc, đây là điều mà tôi băn khoăn vì không ai không biết về một số nhà thầu Trung Quốc (không phải tất cả) nhưng rõ ràng các nhà thầu Trung Quốc không quan tâm đến bảo vệ môi trường đất nước sở tại mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận kinh tế. Chúng tôi phản đối nhà đầu tư này”. Hầu hết các hộ dân còn lại cũng đồng nhất ý kiến với các ông bà đã phát biểu trên.
PV có mặt tại bãi rác để “mục sở thị” và ghi nhận những lời người dân phản ánh đều có căn cứ. Tại đây, khu vực bãi rác cách nhà dân có một con đường dân sinh được phân định ranh giới qua hàng cây xanh trồng bao quanh bãi rác. Mùi hôi thối nồng nặc ruồi muỗi nhiều vô cùng, sinh sôi trên dòng nước chảy ra từ bãi rác.
Rất nhiều ruồi muỗi trên nước hôi thối
Các ao chứa nước ép rác đào thông nhau không qua bể xử lý hoá chất đen xì nổi bọt trắng. Cả khu vực xử lý hoá chất không có một nhân viên nào, cạnh đó là khu đất đang được đào bới san lấp.
Đào rãnh thông giữa các ao chứa nước thải
Bể lọc hóa chất
Để rộng đường dư luận, Pv đã liên hệ và làm việc với chính quyền của 2 phường Tân Mỹ và Đa Mai, là 2 phường có các hộ dân cùng chịu ảnh hưởng từ bãi rác.
Ông Nguyễn Minh Tuấn – chủ tịch UBND xã Tân Mỹ cho biết: “Chính quyền cũng nhận được đơn của các hộ dân liên quan đến bãi rác thải. Tôi có gọi điện báo cáo với cấp trên, còn xã không có trách nhiệm giải quyết. Hàng năm có phòng TN&MT thành phố làm các đánh giá tác động môi trường, vẫn làm trong quy chuẩn”. Tuy nhiên khi PV đề nghị được tiếp cận hồ sơ thì ông nói cán bộ văn thư đi vắng hẹn cung cấp sau.
Ông Nguyễn Mạnh Thái – chủ tịch UBND phường Đa Mai chia sẻ: “Từ ngày Bãi rác thải chuyển về đây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của nhân dân trên địa bàn. Tôi có nhận được đơn kiến nghị của người dân thôn Lò, phường Tân Mỹ phản ánh về việc ô nhiễm môi trường, hàng năm qua tiếp xúc cử tri chúng tôi cũng nghe dân nói về vấn đề này. Chúng tôi có báo cáo chấp trên tuy nhiên cũng chưa được giải quyết triệt để. Về nhà máy xử lý rác thải, theo tôi được biết là để xử lý số rác thải gây ô nhiễm hiện tại, mới đây Thành Phố có giao cho Phường cùng nhà đầu tư tổ chức tham vấn lấy ý kiến người dân về tỷ lệ 1/500 và tham vấn ĐTM”. Tuy nhiên, nội dung biên bản họp chỉ có kết luận chứ không có ý kiến của từng người dân.
“ Tôi cũng mong muốn nếu có thể thì di dời nhà máy xử lý rác thải đi khu vực khác được là tốt nhất” ông Thái chia sẻ thêm.
Trước những thực tại về ô nhiễm môi trường được gây ra bởi bãi chôn lấp rác thải thành phố Bắc Giang và ý kiến của người dân cũng như chính quyền địa phương về việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải mà PV báo Thương hiệu và Công luận nêu trên. Đề nghị UBND Tỉnh, Thành Phố Bắc Gang và các cơ quan chức năng liên quan xác minh làm rõ và có ý kiến phản hồi đối với người dân thôn Lò, phường Tân Mỹ để người dân nắm bắt được tình hình, yên tâm ổn định cuộc sống.
Nhóm PV