Trạm bơm số 1 thuộc dự án được đầu tư từ nguồn vốn đối ứng của tỉnh. Trạm bơm này vẫn đang phải chờ kết nối với dự án để thực hiện xử lý nước thu gom được.Trạm bơm số 1 thuộc dự án được đầu tư từ nguồn vốn đối ứng của tỉnh. Trạm bơm này vẫn đang phải chờ kết nối với dự án để thực hiện xử lý nước thu gom được.

Cụ thể, theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn 1 dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP. Biên Hòa có tổng mức đầu tư hơn 6,6 ngàn tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA là hơn 5,3 ngàn tỷ đồng và nguồn vốn đối ứng của UBND tỉnh là hơn 1,2 ngàn tỷ đồng. Được thực hiện trong thời gian từ năm 2016-2026. Hiện đang được triển khai thi công hơn 120km đường ống và 1 trạm xử lý nước thải công suất 39 ngàn m3/ngày đêm.

Đối với các hạng mục thuộc phần vốn ODA, năm 2019, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã hoàn thành dự thảo hồ sơ mời thầu gói thầu số 1 (tư vấn) gồm: Lập hồ sơ thiết kế chi tiết - dự toán; Hỗ trợ đấu thầu và giám sát thi công cho dự án. Tuy nhiên, phía JICA vẫn quan ngại vấn đề ảnh hưởng của chất độc da cam (dioxin) đến dự án nên chưa thể tuyển chọn đơn vị tư vấn để tiếp tục triển khai. Về việc này, Đồng Nai và Đại sứ quán Nhật Bản cũng đã có nhiều trao đổi qua lại, trong đó, tỉnh cam kết khu vực dự án không nhiễm dioxin, việc thi công đảm bảo an toàn.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, nhiệm vụ tiêu thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt cho đô thị Biên Hòa ngày càng áp lực với địa phương nên dự án này phải được thực hiện càng nhanh càng tốt. Đồng Nai theo đuổi và muốn thực hiện dự án từ lâu nhưng so với yêu cầu, việc triển khai đang chậm. Ông cho biết thêm “Đồng Nai cam kết việc thi công công trình đảm bảo an toàn vì nguồn nước quan trắc đáp ứng các thông số kỹ thuật. Chúng tôi đã cung cấp đầy đủ thông tin một cách minh bạch cho các bên liên quan. Hơn nữa, khu vực triển khai dự án, trong nhiều năm qua, đã có nhiều dự án về hạ tầng khác của tỉnh được thực hiện”.

Được biết, ngày 12/11 vừa qua, trong buổi làm việc với đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã bày tỏ quan điểm xem xét lại việc vay vốn ODA cũng như công nghệ xử lý nước thải vì hiện có nhiều đơn vị có công nghệ xử lý tiên tiến trên thế giới quan tâm đến dự án.

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, trong khi các hạng mục do nguồn vốn đối ứng của tỉnh đã thực hiện thì không thể chờ thêm nữa để tiếp tục triển khai, như vậy sẽ lãng phí ngân sách, cũng không thể đấu nối và hoạt động hiệu quả được. Vì dự án rất quan trọng nên Đồng Nai đang phải cân nhắc, tính toán lại nguồn kinh phí để thực hiện dự án một cách độc lập. Cần có kế hoạch dự phòng huy động nguồn vốn trong nước để thực hiện nếu công tác thi công hạng mục vốn ODA tiếp tục bị đình trệ.

“Dự án kéo dài sẽ bất lợi cho sự phát triển chung nên cần sớm thống nhất ý kiến để thúc đẩy tiến độ hoặc tỉnh sẽ chuyển hướng đầu tư theo phương án khác thay vì ODA”, ông Cao Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nêu rõ.

Bên cạnh việc chủ động về nguồn vốn, cần phải xem xét lại công nghệ của dự án bởi sau nhiều năm, công nghệ xử lý nước thải đã có nhiều thay đổi. Sau khi tham vấn các ý kiến, Đồng Nai sẽ rà soát lại toàn bộ đối với các dự án này, bao gồm cả việc lựa chọn nguồn vốn lẫn công nghệ xử lý để có báo cáo với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về quan điểm nêu trên. 

 Thùy Linh