Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cụ thể, đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ như phun, xăm, thêu trên da; spa, chăm sóc da thông thường phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, có bảng hiệu rõ ràng. Các cơ sở này không được thực hiện các kỹ thuật phẫu thuật thẩm mỹ như cắt mắt, nâng mũi, tiêm chất làm đầy, truyền trắng, hút mỡ và các dịch vụ xâm lấn liên quan đến y tế.

Đối với các cơ sở có thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ như tiêm chất làm đầy, tiêm filler, tiêm truyền trắng da, lăn kim hay các dịch vụ có gây chảy máu khác, cắt mí, nhấn mí… phải được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy phép hoạt động, bác sĩ có Chứng chỉ hành nghề đúng phạm vi được cấp phép, Danh mục kỹ thuật cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, có niêm yết giá cụ thể, chi tiết.

Các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ lớn như nâng ngực, hút mỡ…. phải thực hiện tại các bệnh viện đã được Bộ Y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật.

Hiện nay Sở Y tế TP.HCM đã đưa ra các ứng dụng tiện ích để người dân thuận tiện phản ánh các cơ sở có dấu hiệu vi phạm, tra cứu cơ sở khám chữa bệnh,  chọn lựa  hay quyết định sử dụng dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe cho mình. Các ứng dụng được tích hợp vào hệ điện thoại Smartphone để người dân truy cập thông tin gồm:

+ Tra cứu cơ sở khám chữa bệnh;

+ Phần mềm quản lý Danh mục kỹ thuật;

+ Y tế trực tuyến để người dân cung cấp các thông tin: cơ sở hoạt động không phép, hoạt động quá phạm vi, quảng cáo vượt quá phạm vi hay các cơ sở có dấu hiệu vi phạm….

Sở Y tế TP.HCM cũng khuyến cáo người dân phải tìm hiểu rõ ràng, cẩn thận chọn lọc các thông tin quảng cáo trên các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử trước khi quyết định chọn lựa cơ sở dịch vụ thực hiện chăm sóc sức khỏe của mình.

Linh Tuệ