Phát biểu tại hội nghị, chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, mặc dù cơ quan chức năng tuần tra, kiểm soát gắt gao, nhưng thời gian qua trên các tuyến sông, vùng biển giáp ranh giữa TP. HCM với các tỉnh tình trạng khai thác cát trái phép diễn biến rất phức tạp.
Lực lượng công an tiến hành kiểm kê số lượng cát hút trộm trên tàu
“Cát tặc rút ruột” biển Cần Giờ
Về tình trạng biển Cần Giờ bị “rút ruột”, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biêt: “TP cũng đã cương quyết đấu tranh, bắt giữ, xử lý nghiêm, nhưng vẫn còn tái diễn”.
Cũng theo ông Thắng, vùng biển Cần Giờ qua đánh giá xác định có nguồn cát san lấp, nhưng vì đặc thù của vùng biển này cần phải giữ gìn để bảo vệ môi trường chung của TP. HCM và các tỉnh lân cận nên TP nghiêm cấm khai thác.
Trả lời câu hỏi liệu có tình trạng bảo kê để “cát tặc” lộng hành, ông Thắng nói: “Việc bảo kê có hay không, chúng tôi chưa phát hiện, nhưng nếu có thì quan điểm của lãnh đạo TP là kiên quyết xử lý, bởi giữ gìn vùng biển Cần Giờ là giữ gìn môi trường sống cho con cháu chúng ta”.
“Cát tặc” vẫn lộng hành khu vực sông Gò Gia, Cần Giờ
Trong khi đó, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP. HCM, khẳng định, UBND TP yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc, vì nạn “cát tặc” vượt phạm vi xử lý của huyện Cần Giờ.
“Vị trí khai thác cát trái phép cách bờ 20 km nên những vị trí trọng điểm phải có chốt kiểm tra, canh giữ của biên phòng. Huyện Cần Giờ phải kiểm soát chặt các địa điểm tập kết cát. Khai thác cát trái phép như thế, cuối cùng cũng vô bờ thôi. Nếu đi kiểm tra mà chủ cát không chứng minh được nguồn gốc cát thì phải xử lý nghiêm. Vấn đề này phải quyết liệt”, ông Hoan khẳng định.
Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết: “Từ đầu năm 2017 đến nay, đã phát hiện, xử lý 40 vụ, trong đó 29 vụ vận chuyển cát không rõ nguồn gốc, 11 vụ khai thác cát trái phép. Rạng sáng 30/10, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra và đang tạm giữ 4 phương tiện (sà lan) khai thác cát trái phép ở vùng biển Cồn Ngựa”.
Dự án nạo vét luồng lạch cũng bơm hút cát trái phép?
Không chỉ các phương tiện khai thác trái phép đơn lẻ, mà ở một số dự án nạo vét luồng lạch cũng có hiện tượng đưa phương tiện từ bên ngoài trà trộn vào để bơm hút cát trái phép.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, trên địa bàn TP có 5 dự án nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm (cát san lấp, cát xây dựng) ở các tuyến sông Đồng Nai, Soài Rạp, Gò Gia, Đồng Tranh… với tổng khối lượng cát nạo vét, tận thu được cấp phép hơn 20 triệu m3. Mặc dù từ năm 2013, TP. HCM đã ngưng cấp phép khai thác cát mới, nhưng các hoạt động khai thác vẫn diễn ra và hầu hết là khai thác trái phép.
UBND TP. HCM đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng lập chốt kiểm tra 24/24, tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý. Từ đầu năm đến nay, TP. HCM đã xử lý hàng trăm vụ khai thác cát trái phép với hơn 6.000m2 cát, phạt hơn 7 tỷ đồng, thu giữ các phương tiện tham gia khai thác cát trị giá hơn 20 tỷ đồng.
Nhiều xà lan có công suất lớn quần thảo bơm cát khu vực cửa sông Cần Giờ
Song song đó, Công an TP. HCM phối hợp với cơ quan chức năng liên quan khởi tố các đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép, manh động chống người thi hành công vụ.
Tuy nhiên, theo các đại biểu, do các tuyến sông giáp ranh, các phương tiện neo đậu ở bên này nhưng khai thác ở bên kia nên các lực lượng kiểm tra rất khó trong việc kiểm soát, truy đuổi. Trong khi đó, ở khu vực biển Cần Giờ, các sà lan trọng tải 500 -1.000 tấn cũng hoạt động thường xuyên, khi gặp lực lượng kiểm tra thì bỏ chạy về các hướng khác nhau nên rất khó truy bắt, xử lý.
Cần xử lý hình sự nếu phát hiện vi phạm
Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: “Không thể chấp nhận việc để tình trạng khai thác cát trái phép ở biển Cần Giờ tái diễn, phải xử lý hình sự, triệt để thì mới dẹp được nạn khai thác cát trái phép”.
Thượng tá Trần Thanh Đức, Phó chỉ huy trưởng (BĐBP TP. HCM) cho biết, vừa rồi UBND huện Cần Giờ có văn bản gửi UBND TP. HCM kiến nghị chế tài xử lý hình sự việc khai thác cát trái phép; đồng thời làm chòi canh để chốt trực ngoài biển ở Cồn Ngựa. Trong cuộc họp liên ngành, BĐBP cũng báo cáo đề xuất, kiến nghị UBND TP. HCM rà soát lại văn bản, đánh giá hành vi vi phạm để có thể khởi tố, xử lý hình sự nhằm thể hiện tính răn đe.
Phương tiện mà cát tặc khai thác cát trái phép bị tạm giữ thời gian gần đây
Theo Đại tá Nguyễn Hồng Dũng, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP TP. HCM), năm 2016, BĐBP TP. HCM đã phát hiện xử lý 20 vụ với 41 đối tượng, xử phạt gần 2 tỷ đồng, tịch thu hơn 5.600 m3 cát. Từ đầu năm đến nay, đã phát hiện xử lý 29 vụ với 80 đương sự, xử phạt hơn 1,4 tỷ đồng, tịch thu hơn 1.100 m3 cát.
“Với lợi nhuận từ khai thác cát trái phép như hiện nay, thì việc xử lý hành chính chưa đủ nặng. Mỗi phương tiện chứa được từ 600 - 700 m3 cát, tàu chỉ hút trong khoảng 1 tiếng rưỡi. Phạt hành chính chỉ vài chục triệu đồng, họ nộp bình thường, chả ăn thua gì cả”, Đại tá Dũng nói.
Thượng tá Nguyễn Văn Sửu Phó trưởng phòng Phòng Chống ma túy và tội phạm, (BĐBP TP. HCM) cho biết: “Các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã có ký quy chế phối hợp đấu tranh với hoạt động khai thác cát ở các khu vực giáp ranh, nhưng hiệu quả mới dừng lại ở việc trao đổi thông tin, thống nhất xây dựng kế hoạch. Trong quá trình bắt giữ đối tượng vi phạm, cũng có phối hợp vài lần, nhưng thực tế luôn bị các đối tượng cảnh giới theo dõi, vì vậy, công tác đấu tranh, công tác phối hợp vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt được như mong muốn”.
Người dân cho biết: Nhiều năm qua, đoạn sông này luôn là điểm nóng phức tạp về tình trạng khai thác cát trái phép...
Sau mỗi đợt thanh kiểm tra thì mọi việc đâu lại vào đó và mỗi ngày tình trạng khai thác cát lậu lại càng tăng khiến cho người dân thêm bức xúc. Tuy nhiên, do lo sợ bị trả thù, không muốn gặp phiền phức nên không ai dám báo cho cơ quan chức năng.
Tình trạng khai thác cát lậu hoành hành, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, dòng chảy, gây sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân tại nhiều khu vực, mà còn là mối hiểm họa về tai nạn giao thông đường thủy, hàng hải.
Nhưng chính quyền và các đơn vị có trách nhiệm đã chưa xử lý triệt để khiến những kẻ hủy hoại môi trường, làm mất an toàn giao thông đường thủy vẫn lộng hành.
Cao Diên – Hải Dương