Nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP. HCM tính đến tháng 8/2017, vẫn còn 5/11 dự án chưa được cấp giấy phép xây dựng.  Đối với các dự án xây dựng lò giết mổ hiện đại, tập trung, đến nay chỉ mới có 2 đơn vị được cấp giấy phép xây dựng ( Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn và Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn) ,4 doanh nghiệp đã được cấp giấy phép quy hoạch (Công ty cổ phần Lộc An, Công ty TNHH Phạm Tôn, Công ty Delta và Hợp tác xã Tân Hiệp) và  2 công ty đã được UBND TP. HCM phê duyệt đề án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (Công ty cổ phần Lộc An, Hợp tác xã Tân Hiệp).

TP. HCM: Chậm trễ nhiều dự án lò giết mổ công nghiệp hiện đại - Hình 1

Cơ sở giết mổ gia súc Xuyên Á - nơi xảy ra sự cố 3.750 con heo tiêm thuốc an thần vừa qua (Ảnh Lưu Bình)

Mặc dù chủ đầu tư đã kế hoạch bắt tay từ năm 2005 nhưng nhà máy chế biến thực phẩm Tân Hiệp của HTX Tân Hiệp, huyện Hóc Môn đến nay do không có đường ra vào vẫn chưa thể khởi công xây dựng. 

Đối với, đại diện chủ đầu tư dự án nhà máy giết mổ heo An Hạ (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) khi được thành phố phê duyệt quy hoạch vào tháng 4/2016, công ty đã triển khai ngay các thủ tục đầu tư nhưng vì liên quan đến rất nhiều sở, ngành và hiện nay dự án vẫn đang chờ UBND thành phố để phê duyệt.

Trong khi đó, Công ty TNHH Thực phẩm Lộc An hiện mới được đáp ứng một vài thủ tục, trong đó có chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường; còn 2 loại giấy tờ quan trọng nhất là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng thì chưa có.

Tương tự, cũng chỉ mới hoàn thành thủ tục về chủ trương đầu tư dự án, đánh giá tác động môi trường, công ty CP Delta, chủ đầu tư nhà máy giết mổ gia súc tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, còn phải bổ sung quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Theo cam kết ban đầu thì đường vào nhà máy do ngân sách đầu tư nhưng nay vẫn chưa có trong quy hoạch, trong khi chi phí rất lớn lên đến trăm tỷ đồng  HTX không thể đầu tư để làm con đường này. Để triển khai đầu tư dự án nhà máy giết mổ, họ phải thực hiện rất nhiều thủ tục và qua nhiều sở, ngành của thành phố, trong đó, thủ tục đánh giá tác động môi trường là khâu nan giải và mất nhiều thời gian nhất.

Chờ đợi các dự án đi vào hoạt động?

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP. HCM cho biết, thành phố càng phải khẩn trương hoàn thành các dự án lò mổ gia súc gia cầm hiện đại. Hiện nay tiến độ triển khai các dự án nhà máy giết mổ công nghiệp không đảm bảo thời gian hoàn thành và chính thức hoạt động vào ngày 1/1/2018 như kế hoạch.

Việc chậm hoàn thành các dự án xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm theo quy hoạch của TP. HCM giai đoạn 2016-2020 gây ảnh hưởng đến việc thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc thịt gia súc, gia cầm mà thành phố đang triển khai khiến cho công tác quản lý ATTP trên địa bàn thành phố khó khăn hơn.

Theo báo cáo của các chủ dự án, khả năng phải đến quý 1/2018 sẽ có 4 nhà máy giết mổ gia súc hoàn thành và đi vào hoạt động, với tổng công suất giết mổ khoảng 8.000 con/ngày trong đó :Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn công suất 2.000 con/ngày; Công ty cổ phần Lộc An 2.000 con/ngày; Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Hóc Môn 2.000 con/ngày và Hợp tác xã Tân Hiệp 2.000 con/ngày.

Tùy vào tiến độ hoàn thành các nhà máy giết mổ công nghiệp, Sở NN&PTNT sẽ kiến nghị UBND TP xem xét việc để đưa về các nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại theo đúng công suất thiết kế, ngưng hoạt động đối với các cơ sở giết mổ thủ công nhỏ lẻ hiện hữu và một phần cơ sở giết mổ có công suất lớn.

Theo quy hoạch, hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm của TP. HCM (theo quy hoạch của TP. HCM giai đoạn 2016-2020) và định hướng đến năm 2025, tất cả cơ sở giết mổ hiện nay phải chấm dứt hoạt động vào cuối năm 2017, trừ 2 cơ sở tại huyện Cần Giờ cung cấp sản phẩm cho người dân địa phương và chuyển dần sang các lò giết mổ công nghiệp, tập trung được đầu tư hiện đại để hình thành chuỗi thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, nhiều dự án lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thuộc diện quy hoạch này hiện đang dậm chân tại chỗ.

Thống kê của ngành chức năng, toàn TP hiện còn khoảng 11 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô nhỏ lẻ, thủ công đang hoạt động, hầu hết không đạt chuẩn. Mặt khác, vì đang hoạt động trong tình trạng chờ di dời, đóng cửa, nên các cơ sở không đầu tư, nâng cấp, dẫn đến việc tuân thủ các quy định về môi trường, vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm còn rất nhiều hạn chế, gây khó khăn trong quản lý.

Vụ việc phát hiện heo bệnh, heo tiêm thuốc an thần vừa qua tại lò mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi) là một tiếng chuông cảnh báo cảnh về quy trình kiểm soát vệ sinh thực phẩm hiện nay tại các lò giết mổ.

Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT cũng sẽ tích cực hỗ trợ các chủ đầu tư hoàn thành các loại thủ tục trong thời gian sớm nhất để các nhà máy kịp đi vào hoạt động. Do đó, TP muốn hoàn thiện khâu quản lý, kiểm soát được đường vận hành của gia súc, gia cầm từ trang trại đến bàn ăn cần phải thúc đẩy nhanh hơn việc xây dựng các nhà máy giết mổ công nghiệp, tập trung hiện đại.

Nguyễn Điệp - Hải Dương