Thanh tra toàn diện…
Đó nghi vấn được dư luận đặt ra là “vì sao phải thanh tra toàn diện Dự án xây dựng kè bảo vệ khu dân cư Tắc Sông Chà, thuộc ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ do Khu Quản lý đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư”.
Theo thông tin, Dự án xây dựng kè bảo vệ khu dân cư Tắc Sông Chà có tổng mức đầu tư gần 160 tỷ đồng với chiều dài 581m. Tuyến kè Tắc Sông Chà được khởi công xây dựng từ tháng 12/2016. Công ty cổ phần Xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương đảm nhiệm vai trò đơn vị thi công; đơn vị Tư vấn giám sát là Công ty Tư vấn Đầu tư xây dựng Thủ Thiêm; đơn vị khảo sát, thiết kế là Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Thủy lợi - Thủy điện Nam Việt; đơn vị thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công là Viện Kỹ thuật Biển.
Dự án xây dựng kè bảo vệ khu dân cư Tắc Sông Chà (Ảnh: PV)
Theo đó, ngày 16/6/2018, tại dự án xây dựng kè bảo vệ khu dân cư Tắc Sông Chà (Ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP.HCM) đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng khiến 160m kè dọc theo bờ sông bị cuốn theo dòng nước. Vụ việc khiến UBND huyện Cần Giờ phải triển khai di dời khẩn cấp 4 hộ dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng. Khi xảy ra sự cố, dự án mới hoàn thành 95% công trình đang là vấn đề rất đáng báo động cho sự yếu kém về năng lực thi công của nhà thầu, đơn vị thiết kế, tư vấn giám sát… Điều quan trọng hơn là sự cố này đang dẫn đến thất thoát ngân sách nước, trong khi ngân sách TP cho các dự án trọng điểm, đầu tư công hạn hẹp.
Tuy nhiên, tính từ thời điểm sự cố sạt lở xảy ra đến nay đã hơn 1 năm 6 tháng, nhưng phía chủ đâu tư, đơn vị thi công, tư vấn giám sát vẫn chưa đưa ra được nguyên nhân xảy ra sự cố, khắc phục hậu quả mà mới chỉ cho rằng: Nguyên nhân sạt lở thì đến thời điểm này chỉ có thể phỏng đoán là do lưu lượng nước lớn, mức độ xung yếu của dòng chảy ảnh hưởng đến mái kè khiến dư luận bức xúc.
Trước những bức xúc trên, UBND TP.HCM đã chính thức chỉ đạo Thanh tra TP vào cuộc. Và thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố tại Văn bản số 3907/UBND-NCPC ngày 24 tháng 9 năm 2019, ngày 11 tháng 11 năm 2019, Thanh tra Thành phố công bố Quyết định thanh tra số 331/QĐ-TTTP-P1 ngày 05 tháng 11 năm 2019 của Thanh tra Thành phố về thanh tra toàn diện nội dung vụ việc sự cố công trình xây dựng tại Dự án xây dựng kè bảo vệ khu dân cư Tắc Sông Chà, thuộc ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ do Khu Quản lý đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.
Theo quyết định thanh tra này, ông Lê Quang Minh, Trưởng Phòng Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo số 1 sẽ làm Trưởng đoàn; Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Trưởng Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra được giao nhiệm vụ giám sát đối với hoạt động của Đoàn Thanh tra theo Quyết định số 332/QĐ-TTTP-P1 ngày 05 tháng 11 năm 2019 của Thanh tra Thành phố.Một phần trong báo cáo của Sở GTVT TP.HCM gửi UBND TP.HCM.
Thời hạn thanh tra là 45 ngày kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra; Thời kỳ thanh tra kể từ ngày bắt đầu triển khai thực hiện dự án đến ngày Ủy ban nhân dân thành phố có Văn bản số 3907/UBND-NCPC ngày 24 tháng 9 năm 2019 giao Thanh tra Thành phố tiến hành thanh tra.
… vì tiền đổ xuống sông
Sau vụ việc nêu trên cũng cần phải nhắc lại dự án Kè chống sạt lở Rạch Giồng – sông Kinh Lộ cho thấy: Sau sự cố sạt lở nghiêm trọng bờ kè tuyến Kè chống sạt lở Rạch Giồng – sông Kinh Lộ (đoạn từ rạch tổ 16 đến rạch Gò Me, ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM), xảy ra ngày 26/12/2018, khiến các cột bê tông, vật liệu xây dựng, đất đá đã đổ ra sông gây ô nhiễm môi trường và nguy hiểm cho tàu bè qua lại. Vụ sạt lở này có chiều dài khoảng 140 m, sâu vào trong khoảng 8 -12 m, 130 cọc bê tông cốt thép đã đóng đến cao trình thiết kế vừa được đơn vị thi công hoàn thành bị xô lệch ra phía ngoài sông, nghiêng từ 0,5 đến 1,5 m.
Mặc dù kể từ khi sự cố xảy ra đã được hơn 1 năm, thế nhưng Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hải Nam (đơn vị thi công) vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục quả mà lại tiếp tục di chuyển tới vị trí khác để thực hiện đang là vấn đề hết sức nhức nhối, gây nguy hiểm cho người dân, tàu bè qua lại đây là điều khó có thể chấp nhận.
Theo đại diện Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình, huyện Nhà Bè (Chủ đầu tư dự án), cho biết: Nguyên nhân ban đầu xảy ra sự cố được đánh giá là do triều cường lên cao rồi xuống thấp khiến cho hiện tượng sạt lở mà báo chí đã nêu trong thời gian vừa qua. Và đến nay đơn vị tư vấn giám sát và đơn vị thi công vẫn chưa có giải pháp để khắc phục hậu quả. Về phía trách nhiệm của chủ đầu tư, BQL đã quán triệt bằng cách thuê một đơn vị trung gian giám định độc lập để tìm ra nguyên nhân và các giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, BQL tiếp tục chỉ đạo đơn vị thi công khoanh vùng vị trí sạt lở, đồng thời di chuyển sang vị trí khác làm nhưng phải đảm bảo an toàn cũng như đảm tiến độ thời gian công trình hoàn thành và về đích.
Theo ông Phạm Quốc Ân – Giám đốc điều hành, Công ty CP ĐTXD Hải Nam, đại diện liên danh nhà thầu thi công, cho biết: Sau khi xảy ra sự cố, các đơn vị liên quan vẫn đang nghiên cứu, điều tra, xem xét và tìm ra nguyên nhân gây ra hiện tượng sạt lở. Do đó, hiện tại đơn vị vẫn chưa có giải pháp khắc phục hậu quả do phải chờ thông tin từ phía đơn vị thiết kế và tư vấn giám sát.
Trước đó, vào tháng 8 năm 2017 sự cố sạt kè cũng xảy ra tại kè chống sạt lở tại Ấp 3, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè làm 40 m kè thuộc công trình chống sạt lở đang thi công bị nứt toác, chìm xuống sông. Dự án kè chống sạt lở tại Ấp 3, xã Phước Kiểng cũng do Khu Quản lý đường thuỷ nội địa làm chủ đầu tư và nhà thầu Công ty cổ phần Xây dựng đê kè và phát triển nông thôn Hải Dương thi công.
Hiện tượng sạt kè trong thời gian thi công đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về năng lực thi công của các nhà thầu. Đáng ngại là bất chấp những sự cố nghiêm trọng trong quá trình thi công song các nhà thầu vẫn liên tục lọt qua các vòng chấm thầu để trúng nhiều gói thầu xây lắp kè lớn trên địa bàn TP.HCM.
PV