Các đợt triều cường ngày 8 và 9/10 tại TP.HCM dâng cao đạt đỉnh khoảng 1,65 - 1,68m, đã làm nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM ngập sâu.
Nhất là nhiều điểm trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7) ngập sâu bởi triều cường dâng cao. Tuyến đường này nhiều tháng nay đang thi công nâng thêm 20 - 30cm để giải quyết tình trạng ngập nặng do mưa và triều cường. Tuy nhiên, việc thi công bầy hầy, đất đá lởm chởm khiến việc đi lại rất nguy hiểm.
Người đi xe máy bị ngã trên đường Huỳnh Tấn Phát do triều cường dâng cao sáng 9/10 (Ảnh Minh Quân)
Anh Trần Văn Bình - sống trên đường Huỳnh Tấn Phát - cho biết, từ khi tuyến đường này được thi công, mỗi lần nuớc ngập, nhiều người qua đoạn đường này đã bị té trầy chân tay. “Đoạn đường này ngập mà lại lởm chởm đất đá bên dưới rất nguy hiểm, dễ bị té. Có cả phụ nữ đang mang thai chạy xe máy qua đây cũng bị té, rất nguy hiểm” – anh Bình phản ánh.
Và nếu người dân đi qua con đường này khổ 1 thì những người dân sống trên tuyến đường này khổ 10. Từ nhiều năm qua họ luôn phải chịu cảnh nước ngập tràn vào nhà mang theo rác, bùn đất. Khiến nhiều vật dụng trong nhà hư hỏng nặng.
Không chỉ đoạn đường Huỳnh Tấn Phát mà hàng loạt các hộ dân có nền nhà thấp ở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) bị nước tràn vào. Người dân phải thức dậy giữa khuya, lấy ván cùng nhiều vật dụng khác vừa ngăn không cho nước tràn vào nhà vừa tát nước ra ngoài.
“Hầu như tháng nào dãy trọ tôi ở cũng bị ngập vài lần. Sáng nay, triều cường dâng cao hơn mấy ngày trước, nếu tôi không kịp thức dậy ngăn nước, tủ lạnh sẽ bị ngập và hư hỏng” - một người dân cho biết.
Trong khi đó, bắt đầu từ 16h ngày 9/10, nhiều gia đình ở huyện Nhà Bè, các quận 7, Bình Thạnh đã lên kế hoạch đưa người già và trẻ em sang nhà người thân lánh nạn vì hay tin triều cường đạt đỉnh.
Trong khi người dân TP.HCM đang gồng mình chịu đựng ngập do triều cường thì dự án chống ngập do triều cường có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu với tổng kinh phí gần 10.000 tỉ đồng lại đang đình trệ suốt 5 - 6 tháng nay và chưa biết khi nào mới thi công trở lại. Trước khi bị đình trệ, dự án đang triển khai xây dựng nhiều hạng mục như các cống kiểm soát triều lớn, tuyến đê bao ở các quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh. Và khi dự án chậm hoàn thành, chính người dân tại các quận, huyện này bị ảnh hưởng, thiệt thòi đầu tiên.
Tuy nhiên, không chỉ dự án nghìn tỷ đắp chiếu, mà theo các chuyên gia, còn chỉ ra một nguyên nhân khác góp phần biến đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP.HCM)... thành sông.
Theo báo Người lao động thông tin, một đơn vị quản lý hạ tầng giao thông vừa có văn bản báo cáo về việc nguyên nhân gây ngập trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP.HCM). Không chỉ có triều cường mà qua rà soát, kiểm tra nhận thấy công trình đoạn từ số nhà 1277 đến số 1291 đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Thuận, quận 7, do Công ty CP Công trình giao thông công chánh đang thi công không đúng với biện pháp thi công được phê duyệt. Chủ đầu tư công trình nói trên là Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV.
Lô cốt ngay ngã tư Phú Thuận - Huỳnh Tấn Phát thi công ẩu là một trong những nguyên nhân gây ngập
Đơn vị thi công đã bơm và vận chuyển chất thải trực tiếp vào cống hiện hữu bên đường gây ngập, làm hư hỏng mặt đường vừa được tái lập, tạo nhiều ổ gà, đặc biệt nước thải bơm lên có lẫn nhiều bùn đất, gây mất vệ sinh, an toàn giao thông.
Riêng ngã tư Phú Thuận – Huỳnh Tấn Phát, mặt đường phui đào thi công lắp đặt ống cấp nước bị nứt nẻ, sụt lún, thấp hơn mặt đường hiện hữu 40cm, gây nguy hiểm cho người dân khi lưu thông.
Câu chuyện triều cường, sẽ còn ám ảnh người dân TP.HCM dài dài. Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, mỗi năm, TP.HCM lún từ 5 - 10mm. Bước vào cao điểm năm nay, lượng mưa lớn trong khi đô thị phát triển với tốc độ chóng mặt, hạ tầng thoát nước nhiều nơi lại chưa theo kịp nên tình trạng ngập sẽ càng nặng hơn.
Trong khi đó, hiện có đến hàng chục dự án chống ngập còn dở dang hoặc chưa thực hiện nên hiện tại thành phố chỉ còn cách tăng cường con người và phương tiện để ứng cứu tức thời khi có ngập. Khi giải pháp chống ngập chỉ mang tính tức thời, còn những công trình ngăn triều có tác động lớn vẫn còn đắp chiếu thì mỗi khi mưa lớn, triều cường, người dân vẫn còn tiếp tục khổ sở chống chọi những trận ngập sâu và kéo dài.
Hải Đăng