Theo đó, Sở Xây dựng TP HCM đề xuất dự thảo giá dịch vụ thoát nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2024. Hai vấn đề được nhấn mạnh đó là thay đổi tên "phí bảo vệ môi trường" thành "giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải"; kèm theo đó 3 phương án tăng giá nước.
Phương án 1: Lấy theo giá nước sạch năm 2019, phí bảo vệ môi trường 10%. Từ năm 2020 đến 2024 mức thu dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tăng thêm 3% mỗi năm. Đây được đánh giá là mức tăng thấp.
Phương án 2: Lấy theo giá nước sạch năm 2019, phí bảo vệ môi trường 10%. Từ năm 2020 đến 2024 mức thu dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải tăng thêm 5% mỗi năm. Đây được đánh giá là mức tăng trung bình.
Phương án 3: Lấy theo giá nước sạch năm 2019, phí bảo vệ môi trường 10%. Năm 2020, mức thu dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải bằng 20% giá nước sạch. Từ năm 2021-2024, mức thu tăng 5% mỗi năm. Đây là phương án tăng cao, tương tự mức đề xuất của thành phố Hà Nội.
Trong 3 phương án nêu trên, phương án 2 được cho là khả thi nhất. Nếu tính theo giá nước sạch trung bình năm 2020 tại TP.HCM là 9.590 đồng/m3 thì người dân sẽ chịu 15% của mức giá nước trên để chi trả cho giá dịch vụ thoát nước (khoảng 1.439 đồng).
Cứ theo lộ trình tăng mỗi năm 5%, đến năm 2024 giá trung bình cho 1m3 nước khoảng 12.107 đồng thì người dân phải chịu mức phí cho dịch vụ thoát nước là 4.237 đồng (tương đương 35%).
Việc thu phí sẽ áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình (gọi chung là hộ thoát nước) có hoạt động xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống thoát nước, nguồn tiếp nhận (nguồn tiếp nhận là các nguồn nước chảy thường xuyên hoặc định kỳ như sông suối, kênh rạch, ao hồ…) đã thanh toán tiền dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thì không phải trả phí bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt.
Nguyễn Tùng – Hoàng Dương