Một trong những động lực chính để đạt được các mục tiêu ấy là triển khai đề án đưa TP.HCM trở thành đô thị thông minh với hạt nhân là phát triển đô thị sáng tạo, trước mắt là tại 3 quận phía đông.
Trước đó, UBND TP.HCM vừa tổ chức Hội thảo Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo tại TP.HCM nhằm xác định các tiêu chí của khu đô thị sáng tạo, những giải pháp thực hiện các tiêu chí, bao gồm hạ tầng giao thông hiện đại, hạ tầng thông minh, khu đô thị phục vụ đầu tư nước ngoài.
TP.HCM hướng đến đô thị sáng tạo để người dân có cuộc sống tốt lành, hạnh phúc
Động lực của thành phố thông minh
Tại một hội nghị công bố đề án thành phố thông minh cuối năm 2017, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, mục tiêu của đề án là hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn cho người dân.
Người dân có thể thụ hưởng các tiện ích như sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt, học sinh học tại trường có chất lượng cao, không khí trong lành, nguồn nước sạch, tỷ lệ tội phạm thấp, vui chơi giải trí đa dạng...
Cụ thể, đối với lĩnh vực giao thông, người dân được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông; giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gửi và đỗ xe. Dữ liệu mở về giao thông và thông tin dự báo giao thông giúp người dân tìm lộ trình di chuyển phù hợp, giảm ùn tắc.
Trong lĩnh vực y tế, với bệnh án điện tử sẽ cho phép người dân truy cập bằng smartphone để xem, lưu trữ và chia sẻ với đội ngũ chăm sóc y tế. Hệ thống lưu trữ đầy đủ dữ liệu về tình hình sức khỏe và lịch sử khám chữa bệnh của người dân cho phép bác sĩ truy cập dễ dàng theo thời gian thực, người bệnh không phải tìm lại các kết quả xét nghiệm, bác sĩ không mất thời gian tra cứu thông tin của người bệnh từ sổ sách. Chất lượng khám chữa bệnh sẽ được nâng cao, các sai sót y khoa được hạn chế.
Đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về cấp phép vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó đánh giá được nguy cơ rủi ro về an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh thực phẩm trước khi lựa chọn sử dụng. Các giải pháp ứng dụng sẽ cho phép người dân truy xuất được nguồn gốc của nhiều loại thực phẩm.
Về chống ngập, với hệ thống cảnh báo và giám sát ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp theo dõi dòng chảy và cảnh báo khi xuất hiện mưa lớn, triều cường để ứng phó phù hợp. Các kênh thông tin tương tác theo thời gian thực giữa chính quyền và người dân giúp dự báo, cảnh báo về khả năng xảy ra ngập cũng như các kiến thức về phòng chống, ứng phó với ngập lụt.
Về chính quyền điện tử, hệ thống dịch vụ công trực tuyến tập trung đa dạng về hình thức truy cập sẽ giúp thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia hoạt động của các cơ quan nhà nước, cho phép công dân chỉ truy cập vào một địa chỉ duy nhất và đăng nhập một lần là có thể thực hiện được toàn bộ giao dịch với chính quyền. Các cơ sở dữ liệu được số hóa để người dân không còn phải photo nhiều giấy tờ như chứng minh nhân dân, hộ khẩu và thực hiện nhiều thủ tục hành chính.
Định hướng phát triển thành phố thông minh được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tại nhiều hội nghị từ đầu năm đến nay. Theo đó, về nguyên tắc của đô thị thông minh là phải có tính dự báo, tạo điều kiện cho con người sống ở hai không gian (không gian thực và không gian trên mạng), phải giúp cho mỗi người dân, mỗi cơ quan, tổ chức là một chủ thể sáng tạo và đóng góp sáng kiến cho thành phố, có đô thị thông minh thì hoạt động của chính quyền được giám sát hiệu quả.
Ông Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, trong năm 2018 phải triển khai 5 công cụ dùng chung gồm xây dựng trung tâm dữ liệu tích hợp, trung tâm mô phỏng dự báo; trung tâm về an toàn mạng và điều hành; quy hoạch hạ tầng chung. Đồng thời triển khai một số nhánh như giao thông thông minh, giáo dục thông minh, y tế thông minh, giám sát môi trường thông minh; huy động người dân để góp ý quá trình xây dựng đô thị thông minh.
Hạt nhân đô thị sáng tạo
Sau một năm thực hiện đề án thành phố thông minh, TP.HCM đang điều chỉnh mục tiêu cho giai đoạn 5 năm tiếp theo. Đó là xây dựng đô thị sáng tạo khi triển khai đô thị thông minh, cần có hạt nhân bên trong TP.HCM và hạt nhân đó là điểm khởi đầu cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0.
Mục tiêu xây dựng đô thị sáng tạo của TP.HCM nhằm tạo sự tương tác giữa các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học - công nghệ... TP.HCM mong muốn hỗ trợ các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương để tạo nên cụm động lực phát triển kinh tế cho khu vực phía Nam. Vì vậy, TP.HCM muốn gộp ba quận (2, 9, Thủ Đức) thành khu ĐTST phía Đông của thành phố.
Theo các chuyên gia kinh tế, so với các hướng phát triển, khu Đông sở hữu vị trí trọng tâm trong vùng "tam giác vàng" TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM và các tỉnh đông Nam bộ. Đánh giá về việc hình thành khu đô thị sáng tạo tại 3 quận 9, 2, Thủ Đức, các chuyên gia khẳng định: quận 9 hiện có khu công nghệ cao lớn thứ nhì cả nước với hơn 700ha, 35.000 lao động, 6 tỷ USD vốn đầu tư.
Quận Thủ Đức có 12 trường đại học, trung tâm đại học quốc gia. Hai quận này tạo nên 2 cực công nghệ và trí tuệ cao, kết hợp với trung tâm hành chính ở quận 2 sẽ trở thành khu đô thị thông minh tương tác cao. Đây cũng là trung tâm để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Ở quận 2 có Khu đô thị Thủ Thiêm cung cấp hạ tầng cơ sở, tiện ích cho rất nhiều chức năng khác nhau. Nơi đây sẽ có cơ sở hạ tầng chính cho trung tâm tài chính quốc tế của thành phố, là một trong những nơi đáng sống nhất của TP.HCM.
Tại Hội thảo quốc tế Tầm nhìn cho đô thị sáng tạo tại TP.HCM do UBND TP.HCM tổ chức ngày 28/7 vừa qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề cập đến một giải pháp quan trọng là thành phố sẽ huy động lực lượng tư vấn trong nước và ngoài nước để thiết kế một khu đô thị sáng tạo tích hợp quận 9 (khu công nghệ cao), quận 2 (khu đô thị với trung tâm tài chính Thủ Thiêm), quận Thủ Đức (12 trường đại học với trên 12.000 tiến sĩ, giảng viên và 70.000 sinh viên). Khu đô thị sáng tạo với gần 1 triệu người sẽ làm hạt nhân để Thành phố triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hải Đăng