Theo đó, tại Văn bản số 7202/STNMT-QLĐ, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho thấy, UBND TP. HCM đã thu hồi trên 19ha đất tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh và tạm giao diện tích trên cho Công ty TNHH Đầu tư (nay là Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phi Long), để triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án Khu đô thị Nam Nam Sài Gòn. Dù được thu hồi và tạm giao đất đã 14 năm nhưng theo báo cáo của chủ đầu tư, đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Trên 20 lần thay đổi người đại diện pháp luật trong suốt quá trình thực hiện dự án, thay đổi tên doanh nghiệp, sáp nhập và chuyển trụ sở từ TP. HCM sang tỉnh Tây Ninh. Điều này đã gây bức xúc và khiếu nại đông người vì dự án chậm thực hiện, chậm bàn giao nền.
Ngoài ra, Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phi Long cũng bị tố cáo hành vi lừa đảo về việc tự đo đạc, lập bản đồ quy hoạch phân lô tổng thể, không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để kêu gọi hợp tác đầu tư. Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cũng chỉ ra hàng loạt các sai phạm của Công ty Phi Long. Cụ thể, về quy hoạch chưa cung cấp được quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt để triển khai dự án. Việc chấp thuận đầu tư theo Luật Nhà ở chưa thực hiện đúng.
Chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chủ đầu tư đã tự tiến hành san lấp và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của dự án. Trong đó, có hai căn nhà và san lấp rạch trái phép, vi phạm về quản lý sử dụng đất và đầu tư xây dựng. Trụ sở của Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phi Long bên trong dự án Khu đô thị Nam Nam Sài Gòn cũng bị kết luận xây dựng trái phép.
Trụ sở Công ty Phi Long bên trong Dự án Khu đô thị thương mại Nam Nam Sài Gòn xây dựng trái phép
Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cũng nhận định hiện tất cả các dự án của Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phi Long triển khai trên địa bàn Thành phố đều rất chậm, chưa hoàn tất bồi thường, không thực hiện thủ tục chỉnh lý biến động các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đã bồi thường thuộc dự án, chậm đầu tư cơ sở hạ tầng. Đồng thời, các dự án trước đó đã có kết luận thanh tra nhưng chủ đầu tư không khắc phục theo các nội dung xử lý của cơ quan có thẩm quyền.
Trước những sai phạm này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đề xuất không xem xét, giải quyết gia hạn cho chủ đầu tư thực hiện dự án, thu hồi huỷ bỏ quyết định giao đất.
Trước đó, Liên danh Công ty Sumitomo Realty & Development và Công ty Hongkong Land được chỉ định làm chủ đầu tư dự án 164 Đồng Khởi, quận 1, TPHCM nhưng đã xin trả lại dự án trong năm 2015 vì không được xác định rõ thời điểm hoàn thành giải phóng mặt bằng và tổng chi phí tạo lập quỹ đất dự án này.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), nơi tập trung 578 doanh nghiệp và 474 nhà đầu tư bất động sản cá nhân, có tới 502 dự án chiếm 41,18% trong tổng số 1.409 dự án bất động sản tại TPHCM hiện đang tạm ngưng thi công và chưa khởi công được.
Trong đó, có đến 190 dự án bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư hoặc hết hạn (văn bản) chủ trương đầu tư. Trong 1.219 dự án còn hiệu lực, có đến 405 dự án chưa khởi công và trong số 325 dự án đã khởi công thì có 97 dự án đã phải tạm ngưng thi công.
Chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản (M&A) là hoạt động bình thường của thị trường bất động sản, kể cả với doanh nghiệp mạnh hay đang gặp khó khăn. Các dự án bị thu hồi, hoặc hủy bỏ, hoặc hết hạn chủ trương đầu tư, các dự án tạm ngưng thi công và chưa khởi công ở TP. HCM hiện nay là nguồn hàng hóa tiềm năng cho hoạt động này.
Hải Đăng