Phát biểu tại buổi họp báo, Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP. HCM Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ ngày 31/8, có 221.761 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP. HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 221.313 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 448 trường hợp nhập cảnh. Hiện đang điều trị 40.979 bệnh nhân, trong đó: có 2.522 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.720 bệnh nhân nặng đang thở máy và 18 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 31/8, có 2.699 bệnh nhân xuất viện, 303 trường hợp tử vong trong ngày.
Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 31/8 được 6.219.536 người, trong đó tổng số mũi 1 là 5.876.039, mũi 2 là 343.497, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 683.077. Về gói an sinh, tính từ 15/8 đến 1/9, Thành phố đã chuyển cho TP. Thủ Đức và các quận, huyện 1.269.097 túi an sinh.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, đối với chiến lược giảm F0 trong giai đoạn sắp tới, ngành y tế sẽ tăng cường chiến lược xét nghiệm mà UBND TP. HCM đã ban hành kế hoạch.
Trong đợt đầu, thành phố đã xét nghiệm test nhanh ở vùng đỏ và vùng cam, số phát hiện dương tính có xu hướng tăng. Qua đánh giá đợt 1 tets nhanh với gần 1,2 triệu mẫu xét nghiệm số ca dương tính chiếm 3,6% và ngành y tế đang tiến hàng làm lại đợt 2, đến sáng 1/9, tỷ lệ 3,6% của đợt 1 giảm xuống còn dưới 2%. Qua từng đợt, số F0 phát hiện giảm dần và việc bóc tách F0 ra khỏi khu vực dân cư là hoàn toàn khả thi theo kế hoạch đề ra đến ngày 6/9 và 15/9.
Theo bác sĩ Nam, việc giảm bệnh chuyển nặng và tử vong, thời gian vừa qua số lượng bệnh nhân nặng còn nhiều, tuy nhiên thời gian tới các ca bệnh chuyển nặng giảm sau khi làm test nhanh phát hiện dương tính.
Những trường hợp đủ điều kiện (dưới 65 tuổi, không bệnh nền, không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ) có thể được cách ly tại nhà và Thành phố sẽ triển khai các túi thuốc an sinh về cho các trường hợp F0. TP. Hồ Chí Minh đã chuyển về cho 22 quận huyện và TP. Thủ Đức 110.850 túi thuốc để cấp cho các trường hợp F0.
Ngành y tế thành phố cam kết cấp đủ thuốc cho các trường hợp F0 cách ly và điều trị tại nhà. Cùng với đó, TP. Hồ Chí Minh đang được Bộ Y tế phân bổ thuốc kháng virus, đợt 1 được phân bổ 16.000 liều, đợt 2 phân bổ 34.000 liều.
Đối với những trường hợp bệnh nhân có triệu chứng nặng điều trị ở các bệnh viện tầng 2, thành phố có thêm loại thuốc Remdesivir để tiêm cho những trường hợp nguy cơ chuyển nặng. Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết, hầu hết các ca tử vong thời gian qua đa số là những ca bệnh nặng từ trước, hiện theo đánh giá, mức độ chuyển nặng của bệnh nhân đã được giảm đáng kể.
Về vấn đề vaccine, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết thêm, ngày 30/8, Bộ Y tế đã có quyết định cấp cho TP. Hồ Chí Minh 2 loại vaccine với 1.000.960 liều. Với hai loại vaccine này, thành phố sẽ tổ chức tiêm cho những người đã đủ thời gian tiêm mũi 1 theo khuyến cáo. Từ nay đến ngày 15/9, TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 và tiêm cho các trường hợp tiêm mũi 1 (đợt 5) bằng vaccine có thời hạn ngắn từ 3-4 tuần. Ngành y tế cũng đã sẵn sàng cho kế hoạch tiêm chủng này.
Trả lời câu hỏi về tiêm mũi 2 trễ so với thời hạn có ảnh hưởng gì hay không?, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho rằng, hiện chưa có một thống kê nào kiểm chứng việc tiêm trễ vaccine hơn 1 tuần, 10 ngày, 1 tháng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cũng như miễn dịch. Tất cả các khuyến cáo chỉ nói rằng tiếp cận càng sớm càng tốt khi có vaccine.
“Hiện nay, vaccine là vấn đề toàn cầu, rất khó tiếp cận. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Chính phủ, chủng ta cũng đang cố gắng để có thật nhiều vaccine để bao phủ cho người dân”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam thông tin.
Nguyễn Tùng - Hoàng Dương