Quảng cáo và thực hiện kỹ thuật thẩm mỹ không phép
Phần lớn những sai phạm tại các cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ hiện nay là dùng “chiêu trò” quảng cáo hình ảnh các nghệ sĩ, diễn viên, người nổi tiếng… tự giới thiệu các dịch vụ làm đẹp bằng cách tiêm tinh chất hủy mỡ vào da, thực hiện kỹ thuật “xâm lấn” nhằm thu hút khách hàng.
Cùng với đó là các công nghệ làm đẹp được cho là “độc quyền”, được chuyển giao từ nước ngoài như công nghệ mesotherapy, chiếu tia laser…Nhưng trên thực tế thì các loại hình này chưa được cấp phép của Bộ Y tế, chưa được cơ quan chức năng kiểm chứng, kiểm định lưu hành, phát triển tại Việt Nam.
Quảng cáo công nghệ "độc quyền" trẻ hóa vùng kín trên website của TMV Gangwhoo
Các cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ viện, spa hay cao hơn là một phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, nhưng tất cả đều có những điều kiện, giới hạn nhất định trong phạm vi danh mục kỹ thuật được cấp phép. Tuy nhiên, đa số các cơ sở này đều quảng cáo “vượt” hoặc “nằm ngoài” việc thực hiện kỹ thuật thẩm mỹ được cho phép.
Đơn cử, trường hợp TMV Siam Thái Lan (Quận 10, TP.HCM) quảng cáo, tư vấn, thực hiện kỹ thuật vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn… Nhưng theo văn bản số 2767/SYT-VP của Sở y tế thì TMV này chưa được xác nhận nội dung quảng cáo. Đặc biệt, không có mặt bác sĩ phụ trách chuyên môn nhưng lại có những cái tên lạ tự giới thiệu là “David”, “Tony” xưng là bác sĩ trực tiếp thăm khám, tư vấn, sẵn sàng thực hiện các ca phẫu thuật xâm lấn cho khách hàng ngay tại cơ sở.
Hay tại TMV Gangwhoo (số 57, đường 3/2, phường 11, quận 10, TP. HCM) tư vấn cho khách hàng bằng những lời có cánh: “TMV Gangwhoo làm tất cả các loại phẫu thuật thẩm mỹ như: mở rộng góc mắt, cắt mí, nâng mí, cắt mỡ mắt, nâng mũi, sửa mũi, lấy sụn tai đưa vào mũi, hút mỡ cánh tay, bụng, mông, đùi, tạo hình cô bé, tái tạo màng trinh bị rách… được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ Hàn Quốc nhiều kinh nghiệm ”.
Một thực tế nữa, để khách hàng tin tưởng “xuống tiền” làm các dịch vụ thẩm mỹ thì đa số các cơ sở làm đẹp tự đặt cho mình cái “danh” không có trong quy định của ngành Y tế như: “Viện thẩm mỹ, Viện thẩm mỹ quốc tế, Thẩm mỹ viện quốc tế, Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ…”.
Đặc biệt hơn, TMV quốc tế Euro (số 215 đường 3/2, quận 10, TP.HCM) nằm ngay mặt tiền trục đường lớn trong thành phố, ngang nhiên quảng cáo, trưng bảng hiệu “khác thường” dù chưa được cấp phép hoạt động.
Chưa được cấp phép hoạt động nhưng TMV quốc tế Euro đã trưng bảng hiệu quảng cáo ngay trên trục đường lớn
Song song đó là giá dịch vụ thẩm mỹ làm đẹp cao “trên trời”, nhiều cơ sở còn xem khách hàng như “con mồi”, mỗi khi họ lọt vào tầm ngấm thì luôn được vẽ vời, tung hê như nàng lọ lem đang thiếu tí sắc cần đại tu tổng thể như gọt cằm, cắt mí, nâng mũi, căng da mặt… Lúc này, số tiền mà “thượng đế” phải bỏ ra cho các dịch vụ trên lên tới hàng trăm triệu đồng, kèm theo phải mua các sản phẩm mỹ phẩm phục vụ cho “hậu” làm đẹp.
Quảng cáo công dụng mỹ phẩm hơn thuốc?
Được giới thiệu là Viện thẩm mỹ có chức năng đào tạo nhưng trong buổi làm việc với báo TH&CL, đại diện TMV Adamas (188 Lý Thái Tổ, phường 1, quận 3, TP.HCM) - bà Đồng Minh Hà còn không biết tên chủ cơ sở của mình, không biết ai là bác sĩ phụ trách chuyên môn, không hiểu gì về pháp lý của một cơ sở thẩm mỹ làm đẹp…
Nhiều mỹ phẩm được trưng bày, bán như thuốc tại TMV Adamas
Đồng thời, TMV Adamas còn quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm có công dụng hơn thuốc, quảng cáo tinh chất hủy mỡ Dr.Lipposell có tới 80% là tế bào gốc từ mỡ của người trưởng thành, an toàn cho bà mẹ mang thai có nhu cầu giảm mỡ, đang cho con bú, người bị ung thư…Công dụng “thần kỳ” của loại tinh chất hủy mỡ này khi tiêm vào cơ thể là giúp đào thải mỡ qua đường nước tiểu, đường phân. Đặc biệt, tinh chất này giúp tăng sinh nội tiết tố nữ, giảm mãn dục ở nam giới. Ngoài ra, TMV này còn quảng cáo sản phẩm “tinh chất truyền trắng có thành phần từ “thiết trúc sâm quý hiếm từ Tây Tạng” cùng 20 loại axit amin organic”…
TMV Adamas quảng cáo sản phẩm tinh chất hủy mỡ Dr.Lipposell có công dụng như thuốc
Trường hợp TMV Lọ Lem (quận 3, TP.HCM) chưa được cấp phép nhưng vẫn quảng cáo nhiều dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn, thần thánh hóa tinh chất làm đầy filler có công dụng như thuốc, như “thần dược” giúp trẻ hóa cơ thể: “Công nghệ làm đẹp bằng “thần dược filler” có tác dụng nhanh chóng, hiệu quả tức thì…”.
Hệ thống TMV Mailisa (TP.HCM) thì quảng cáo, rao bán rầm rộ mỹ phẩm Doctor magic gồm sữa rửa mặt, tinh chất trị mụn tái tạo, kem trị mụn triệt để, tinh chất trị thâm sạm nám... Mặc dù đây là mỹ phẩm, nhưng quảng cáo như thuốc chữa bệnh, có tác dụng điều trị bệnh nám, tàn nhang, thậm chí khẳng định khỏi 100%. “Không chỉ điều trị được tất cả các bệnh lý về da mà còn điều trị triệt để mụn thịt, nốt ruồi tận gốc, cam kết hết 100% không để lại sẹo…”
Cơ quan chức năng “bất lực”?
Trước phản ánh mạnh mẽ từ bạn đọc, cơ quan báo, đài, nhiều trường hợp vi phạm tại cơ sở làm đẹp đã bị cơ quan chức năng xử phạt. Tuy nhiên, vấn đề hoạt động “chui”, hoạt động không phép vẫn tái diễn, không khắc phục, cơ quan chức năng dường như “bất lực” trong công tác giám sát, quản lý và xử phạt.
Những văn bản đề cập việc xử lý vi phạm của các cơ sở làm đẹp từ cơ quan quản lý trả lời chung chung: “Sở Y tế đã chỉ đạo Thanh tra Sở thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có); Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các chức năng quản lý…”, điều này đồng nghĩa việc giúp sức các cơ sở thẩm mỹ tái diễn các sai phạm, cơ quan quản lý cần mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, đủ sức răn đe để quản lý hiệu quả.
Văn bản trả lời báo TH&CL của Sở y tế TP.HCM về các cơ sở TMV sai phạm
Trao đổi với báo TH&CL về thực trạng trên, PGS.TS.BS Lê Hành - Chủ tịch hội Phẫu thuật thẩm mỹ Việt Nam cho rằng: Đây là một “đại nạn” của ngành thẩm mỹ, vấn đề này không phải mới mà chỉ có xu hướng ngày càng trầm trọng thêm. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự an toàn của người dân cũng như uy tín ngành y và những người làm tạo hình thẩm mỹ tại Việt Nam.
Dù đã có không ít quy định về xử phạt các sai phạm, nhưng tái diễn vi phạm quá nhiều, ngày càng đa dạng, khó kiểm soát. Điều quan trọng hơn là chế tài xử phạt còn nhẹ, hời hợt, chưa quyết liệt, chưa đủ tính răn đe … “Theo tôi, phải xử lý “nặng” những trường hợp hoạt động không giấy phép, vượt quá chức năng. Phải quyết liệt hơn nữa đối với các cơ sở tái diễn sai phạm nhiều lần bằng hình thức đình chỉ hoạt động, công khai trên thông tin đại chúng" - ông Lê Hành nói thêm.
Hiện tại, hội PTTM Việt Nam với vai trò còn hạn chế, chỉ tham gia thẩm định các cơ sở hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ, giáo dục kiến thức cơ bản về thẩm mỹ… Nên thời gian tới, hội sẽ đề xuất tăng cường đào tạo chính xác, cấp chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ trên cơ sở người đã được đào tạo; tăng cường truyền thông, giáo dục, sức khỏe về thẩm mỹ cho đại chúng.
Có rất nhiều thông tư, nghị định quy định rõ về lĩnh vực hoạt động TMV. Tại khoản 2 Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh.
Đặc biệt, tại nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế: Các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ mà không có giấy phép hoặc vượt ngoài phạm vi được cấp phép hoạt động có thể bị phạt đến 70 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động và đình chỉ hoạt động.
Thế nhưng, việc áp dụng luật để xử lý nghiêm, triệt để là rất hiếm, hiện nay việc xử phạt chỉ như "bắt cóc bõ đĩa", dẫn đến các cơ sở tái phạm nhiều lần. Điều rủi ro này khiến nhiều khách hàng biến thành bệnh nhân, tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc. Đồng thời, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, quản lý, giám sát các hoạt động thẩm mỹ dựa vào giấy phép để quản lý. Đây là việc làm lớn được nhà nước quan tâm tích cực hơn, thiết thực hơn nữa. (Luật sư Trần Công Phượng - Đoàn Luật sư TPHCM).
Quỳnh Hương - Nguyễn Kiên