Ngày 6/7, các đại biểu tham dự kỳ họp lần thứ 5 HĐND TP. HCM khóa IX đã thông qua nghị quyết về nguồn vốn đầu tư công trung hạn của TP. HCM giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, HĐND TP đã quyết nghị thông qua nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của TP là 171.895,758 tỷ đồng, dành cho các công trình hạ tầng cấp bách.

 TP. HCM thông qua kế hoạch đầu tư công hơn 171.000 tỷ đồng - Hình 1

TP. HCM thông qua kế hoạch đầu tư công hơn 171.000 tỷ đồng

Trong tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn nói trên, nguồn vốn ngân sách trung ương khoảng 21.895 tỷ đồng (chưa bao gồm 10% dự phòng), vốn ngân sách thành phố là 150.000 tỷ đồng (bao gồm vốn bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn 135.000 tỷ đồng và dự phòng 10% là 15.000 tỷ đồng).

Đối với nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, HĐND TP giao UBND TP tiến hành lập kế hoạch đầu tư công hàng năm của TP trình HĐND TP theo quy định. Đồng thời, kiên trì theo dõi, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương quan tâm xem xét bố trí đủ vốn đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Trung ương.

Mặt khác, UBND TP chỉ đạo các sở ngành, quận huyện và chủ đầu tư rà soát, xác định các dự án trọng tâm, trọng điểm, sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện theo tiến độ. Song song đó, rà soát phương án chuyển đổi các dự án sang các hình thức đầu tư không sử dụng vốn ngân sách (PPP, kích cầu) để huy động thêm nguồn lực đầu tư trong xã hội.

Ngoài ra, UBND TP có nhiệm vụ rà soát tiến độ đầu tư, tiến độ giải ngân vốn kế hoạch của các dự án, tăng cường kiểm tra tính kỷ luật ngân sách trong lĩnh vực chi đầu tư công để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tráng lãng phí.

 

Theo phương án phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020, TP.HCM cũng sẽ dành một nguồn vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA là 11.204 tỷ đồng và vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức PPP là 9.265 tỷ đồng…

Đặc biệt, TP.HCM xem hình thức hợp tác đối tác công tư (PPP) là phương thức cơ bản để huy động nguồn vốn xã hội đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng. Việc huy động vốn sẽ tập trung cho các công trình, dự án trọng điểm giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan đến giảm ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, chỉnh trang đô thị ven kênh rạch…

Cuối năm 2017, TP. HCM phấn đấu sẽ triển khai các dự án đầu tư thuộc Vành đai 2, Vành đai 3 để đưa vào sử dụng toàn tuyến Vành đai 2 và một phần Vành đai 3 trước năm 2020.

Ngoài ra, TP sẽ hoàn thành kế hoạch thi tuyển quốc tế phương án thiết kế quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 huyện Cần Giờ; triển khai thiết kế đô thị tuyến quốc lộ 1A, trục cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây, tuyến kênh Tân Hóa – Lò Gốm và tuyến metro số 2; chỉnh trang đô thị dọc hai bên kênh rạch kết hợp với dự án cải thiện môi trường nước khu vực; cải tạo, xây dựng chung cư mới thay thế chung cũ được xây dựng trước năm 1975…

Theo Vietnamnet