Đó là nhận định của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) trong Báo cáo tình hình thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2017.
Theo đó, tình hình tranh chấp trong chung cư tiếp tục gia tăng, chủ yếu là tranh chấp do chủ đầu tư chậm tổ chức đại hội chung cư để bầu ban quản trị, chưa bàn giao quỹ bảo trì chung cư, tranh chấp phần sở hữu chung trong chung cư (nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, các diện tích có thể kinh doanh cho thuê...), tranh chấp về quản lý sử dụng nguồn thu phí vận hành chung cư do các hộ dân nộp hàng tháng, về chất lượng xây dựng chung cư, chất lượng thiết bị, công trình phòng cháy chữa cháy...
Đặc biệt gay gắt là nhiều trường hợp chủ đầu tư không làm "sổ đỏ" cho người mua nhà qua nhiều năm, trong đó có nhiều trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không giải chấp, hoặc chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng đã đưa dân vào ở, không đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, việc thực hiện khoản 12 điều 6 Luật Nhà ở về việc nghiêm cấm "sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở" (áp dụng kể từ ngày 01/01/2016)đã có tác động đến nhiều hộ dân và doanh nghiệp đã có hoạt động kinh doanh nhiều năm (thậm chí có những trường hợp đã kinh doanh ổn định vài chục năm qua) ở một số khu chung cư cũ có truyền thống vừa ở vừa kinh doanh, hoặc tầng trệt hoạt động kinh doanh.
Điển hình như tầng trệt chung cư cũ 91 Nguyễn Du, quận 1 chủ yếu là các văn phòng luật sư, công chứng, hoặc chung cư cũ trệt, một lầu số 76 - 90 Lê Lợi, quận 1 mà mỗi căn hộ tầng trệt, lầu 1 đều kinh doanh, đồng thời cũng tác động đến việc khởi nghiệp của thanh niên thường chỉ sử dụng bàn làm việc với rất ít lao động trong căn hộ chung cư của gia đình để tiết kiệm chi phí...
Hồng Mơ