Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, cách đây 20 năm, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Ngày hội Du lịch lần đầu tiên với kỳ vọng tạo không gian kết nối, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch đến với người tiêu dùng, góp phần kích cầu du lịch và đóng góp cho tăng trưởng ngành.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan phát biểu khai mạc Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh lần thứ 20
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan phát biểu khai mạc (Ảnh: Nhật Nam)

Chặng đường 20 năm phát triển là quá trình không ngừng đổi mới, sáng tạo về nội dung, hình thức để trở thành sự kiện thường niên, có uy tín, thu hút đông đảo doanh nghiệp và các địa phương trong cả nước và quốc tế đồng hành; được công chúng, người tiêu dùng du lịch, các cơ quan truyền thông báo chí trong và ngoài nước tin tưởng, ủng hộ; góp phần xây dựng thương hiệu du lịch TP. Hồ Chí Minh nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.

Chia sẻ tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho biết, cùng với sự hồi phục nhanh của du lịch Việt Nam trong thời gian qua, du lịch TP. Hồ Chí Minh cũng đạt được những kết quả khả quan, khẳng định vị trí dẫn đầu trong các địa phương du lịch trọng điểm. Trong đó, Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện thuận lợi để kết nối cũng như tạo sân chơi hấp dẫn cho các địa phương và doanh nghiệp du lịch trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong chia sẻ tại lễ khai mạc
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong chia sẻ tại lễ khai mạc (Ảnh: Nhật Nam)

Cũng theo Thứ trưởng Hồ An Phong, ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều thuận lợi để tăng tốc phát triển nhưng cũng phải đối mặt không ít thách thức do tác động từ khách quan nền kinh tế thế giới và trong nước. Do đó, để giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, đầu tàu phát triển du lịch của cả nước, trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước, TP. Hồ Chí Minh cần triển khai bốn giải pháp.

Thứ nhất, thành phố cần tiếp tục đầu tư nâng chất các sản phẩm du lịch đặc trưng để đưa thành phố trở thành trung tâm du lịch lõi của miền Nam.

Thứ hai, từ lợi thế trung tâm du lịch lõi, ngành du lịch cần tiếp tục duy trì, hợp tác du lịch sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long để cùng nhau phát triển.

Thứ ba, thành phố cần phát triển và hoàn thiện nền tảng du lịch thông minh, "một điểm chạm - vạn trải nghiệm", tăng cường tiện ích và trải nghiệm của du khách nội địa và quốc tế, góp phần tăng trưởng khách.

Cuối cùng, TP. Hồ Chí Minh cần mạnh dạn có kế hoạch và chính sách thu hút để đưa thành phố trở thành trung tâm tổ chức du lịch MICE của khu vực, cạnh tranh với các điểm đến khác của khu vực Đông Nam Á.

Các doanh nghiệp lữ hành tổ chức gặp gỡ, giới thiệu, chào bán các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới tại Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh năm 2024
Các doanh nghiệp lữ hành tổ chức gặp gỡ, giới thiệu, chào bán các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới tại Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh năm 2024 (Ảnh: Nhật Nam)

Tại lễ khai mạc Ngày hội, Ban Tổ chức đã công bố kết quả bình chọn doanh nghiệp du lịch hàng đầu TP. Hồ Chí Minh năm 2024.

Theo thống kê nhanh của các doanh nghiệp lữ hành, trong ngày đầu tiên khai mạc đã có 1.740 lượt khách mua tour/sản phẩm với tổng doanh thu hơn 26,3 tỉ đồng, tăng 49% so với năm 2023 (17,6 tỷ).

Chuỗi hoạt động của Ngày hội Du lịch sẽ tiếp tục diễn ra xuyên suốt 4 ngày từ 4 đến 7/4 tại Công viên 23/9, với sự tham gia của hơn 150 gian hàng. Trong đó, điểm nhấn đặc sắc của Ngày hội Du lịch năm nay là sự “bùng nổ” các chương trình kích cầu du lịch với gần 400 sản phẩm, dịch vụ du lịch với tổng giá trị 50 tỷ đồng của các công ty lữ hành, các cơ sở lưu trú, các điểm tham quan và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác như (spa, du lịch y tế, cở sở ăn uống, mua sắm) với nhiều chính sách khuyến mãi, giá ưu đãi lên đến 60%, cùng nhiều quà tặng và các dịch vụ đi kèm hấp dẫn; giảm giá trực tiếp, bốc thăm trúng thưởng, quà tặng, đố vui có thưởng… khi khách đến tham quan Ngày hội Du lịch và đăng ký tour du lịch.

PV