Theo đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cho biết, hơn 90% doanh nghiệp tại thành phố đã hoạt động trở lại vào ngày 5/2 vừa qua (tức Mùng 8 Tết), với 93% lao động đi làm.
Dự kiến nhu cầu nhân lực sau Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025 của TP. Hồ Chí Minh cần khoảng từ 50.400 - 55.500 chỗ làm việc. Cụ thể trong đó nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực: Thương mại - dịch vụ chiếm 67,57%; công nghiệp - xây dựng chiếm 31,92%; nông, lâm, thủy sản chiếm 0,51%; các ngành công nghiệp trọng điểm chiếm 17,18% (cơ khí chiếm 6,12%, hóa dược chiếm 5,96%, chế biến lương thực thực phẩm chiếm 2,84%, sản xuất hàng điện tử chiếm 2,26%).

Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở nhóm tuổi từ 27 đến 35 chiếm 48,77% và dưới 26 tuổi chiếm 28,77%.
Phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 88,21%, trong đó nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp chiếm 31,21%, trung cấp chiếm 20,76%, cao đẳng chiếm 13,9%, đại học trở lên chiếm 22,34% và lao động phổ thông chiếm 11,79%.
Đặc biệt, tuyển dụng tập trung cao ở các ngành/nghề: Kinh doanh thương mại; nhân sự; hành chính - văn phòng - biên tập và phiên dịch; cơ khí - tự động hóa; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; kế toán - kiểm toán; marketing...
So với năm 2024, nhu cầu lao động tăng khoảng 7% do xu hướng chuyển đổi công việc và mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Trong công tác chăm lo tết năm 2025, TP. Hồ Chí Minh thực hiện theo phương châm “Tết tri ân, trọn vẹn, nghĩa tình” và “Tết an toàn, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh”.
TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức chăm lo cho 1.331.521 lượt người với tổng kinh phí 1.295,613 tỷ đồng, tăng 1,435 tỷ đồng so với Tết Giáp Thìn năm 2024. Trong đó, nguồn ngân sách Thành phố là 954,14 tỷ đồng; Ngân sách Trung ương là 16,18 tỷ đồng; Nguồn kinh phí quận, huyện và TP. Thủ Đức: 42,05 tỷ đồng; Nguồn kinh phí xã hội: 283,22 tỷ đồng…
Hoàng Bách (t/h)