Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh như: Điểm trông giữ trẻ, trường mầm non, tiểu học, khu dân cư, khu nhà trọ có nhiều trẻ em.

Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng
Bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng. (Ảnh: KT)

Đồng thời, xử lý ổ dịch kịp thời, hạn chế lây lan; khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng.

Đặc biệt, chuẩn bị sẵn sàng công tác thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng theo đúng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế; chủ động ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị có liên quan kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục và tại cộng đồng. Nếu phát hiện, cách ly sớm ca bệnh, thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường.

Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh thường xuyên theo dõi, giám sát việc cập nhật danh sách ca bệnh, ổ dịch lên hệ thống quản lý, giám sát bệnh truyền nhiễm một cách đầy đủ, kịp thời.

Về phía địa phương, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng chống bệnh. Thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn, phòng bệnh tại gia đình.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng chống bệnh tay chân miệng, nhất là tại các điểm nguy cơ, thông tin, báo cáo về Sở Y tế theo quy định.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, trong tuần 21 (từ ngày 22 đến 28/5/2023), thành phố ghi nhận 157 ca tay chân miệng, tăng 47,1% so với trung bình 4 tuần trước.

Số ca bệnh tăng ở cả trường hợp nhập viện và khám ngoại trú so với trung bình 4 tuần trước. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã có 1.670 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 270 ca điều trị nội trú…

PV