10 dấu ấn nổi bật trong năm 2024 của TP. Hồ Chí Minh gồm:

1. Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước làm việc với TP. Hồ Chí Minh để chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng.

Cụ thể, ngày 17/8, trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, ông Tô Lâm đã đến thăm, làm việc với Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI; việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị.

Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Thành ủy TP. Hồ Chí Minh
Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Thành ủy TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Hoàng Hùng)

Sáng 10/8, đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với TP. Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế - xã hội, việc thực hiện Nghị quyết 98 và họp Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ.

Sáng 5/10, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì buổi làm việc Đảng đoàn Quốc hội với Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Buổi làm việc nhằm đánh giá kết quả một năm triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh và Nghị quyết 57 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.

2. Nhân dân TP. Hồ Chí Minh thể hiện nét đẹp của thành phố nghĩa tình và tinh thần Đại đoàn kết dân tộc.

Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP. Hồ Chí Minh với truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, luôn thể hiện tình dân tộc, nghĩa đồng bào, sẵn sàng giúp đỡ, quyên góp ủng hộ đồng bào trong mọi hoàn cảnh khó khăn, đi đầu trong các phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giảm nghèo bền vững, khuyến học, khuyến tài, bảo vệ an ninh Tổ quốc, cứu trợ, từ thiện... 

Trong năm qua, TP. Hồ Chí Minh phát huy mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những điểm sáng trong năm gồm Đại hội MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh lần thứ XII mang chủ đề "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường dân chủ, thi đua xây dựng và phát triển TP. Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình"; Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP. Hồ Chí Minh lần thứ IV với chủ đề "Đồng bào các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng và phát triển TP. Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình". 

3. HĐND TP. Hồ Chí Minh khẩn trương, kịp thời ban hành các chính sách triển khai các nghị quyết và quy định của Trung ương vào cuộc sống thực tiễn.

Năm 2024, HĐND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành 46 nghị quyết đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù trên các lĩnh vực quản lý đầu tư, tài chính, đô thị, khoa học công nghệ và phân cấp, ủy quyền.

Trong đó, nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đã đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, giúp thành phố thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. 

4. Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phục hồi, chuyển đổi và tăng trưởng một cách bền vững; ra mắt Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR).

Kinh tế thành phố năm 2024 tiếp tục phục hồi, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2024 ước tăng 7,17% so với năm 2023. Việc thực hiện chủ đề công tác năm 2024 tạo động lực thúc đẩy việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện năm 2024 là 508.553 tỷ đồng, đạt 105,3% dự toán, tăng 13,3% so cùng kỳ.

Ngày 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại TP. Hồ Chí Minh. Trung tâm này được kỳ vọng sẽ trở thành động lực mới thúc đẩy phát triển bền vững cho TP. Hồ Chí Minh, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ tới cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (HEF) năm 2024 lần thứ 5
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (HEF) năm 2024 lần thứ 5 (Ảnh: Viết Dũng)

5. Chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và cải cách hành chính tạo dấu ấn tích cực, quan trọng.

Thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số, thể hiện qua sự tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, phát triển nền tảng số, chú trọng quản trị dữ liệu, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn thông tin và đẩy mạnh truyền thông chính sách về hoạt động chuyển đổi số được thực hiện đồng bộ. 

Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, TP. Hồ Chí Minh có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển chính quyền điện tử ở cấp địa phương. Chỉ số Dịch vụ Trực tuyến Địa phương (LOSI) của TP. Hồ Chí Minh tăng từ vị trí 54/146 lên vị trí 53/152 thành phố tiêu biểu của các quốc gia trên thế giới.

Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh hiện đại hóa, tự động hóa và minh bạch kết quả thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay, tỉ lệ hài lòng trong xử lý phản ánh, kiến nghị đạt 98%; tỷ lệ hài lòng trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thành phố đạt 97,55%.

6. Thành phố chính thức vận hành thương mại tuyến Metro số 1; khởi công, khởi động lại nhiều công trình, dự án.

Tuyến Metro số 1 được chính thức vận hành vào ngày 22/12 là sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển hệ thống giao thông công cộng của TP. Hồ Chí Minh. Đây là tuyến tàu điện đầu tiên được xây dựng và đưa vào khai thác tại thành phố, có chiều dài 19,7km, kết nối trung tâm quận 1 với khu vực phía Đông của TP. Hồ Chí Minh.

Trong năm 2024, UBND TP. Hồ Chí Minh đã trình thông qua nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên hơn 9.000 tỷ đồng; tiếp quản, vận hành thử nghiệm nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng; hàng loạt công trình được đưa vào hoạt động sau nhiều năm ngưng trệ.

7. Tình hình tội phạm về trật tự xã hội được kiềm chế , kéo giảm sâu; tỷ lệ điều tra, khám phá án được nâng cao.

Năm 2024 ghi nhận mức giảm số vụ vi phạm về trật tự xã hội cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong 11 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận 3.995 vụ, giảm 1.121 vụ so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng 22,1%.

Lực lượng Công an cơ sở (Cảnh sát khu vực, Công an phường, xã, thị trấn) được tập trung nâng cao chất lượng công tác, chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng, nhất là ở các khu vực, tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm phức tạp. Công an TP. Hồ Chí Minh cũng là đơn vị tiên phong ngăn ngừa, kéo giảm và tiến đến triệt tiêu các nguyên nhân, điều kiện nảy sinh "tội phạm đường phố".

8. Nhiều hoạt động nổi bật kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Ngày 26/12, Chủ tịch nước Lương Cường đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Lực lượng vũ trang TP. Hồ Chí Minh.

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh xây tặng Điện Biên dự án lưới điện nông thôn huyện Điện Biên Đông (50 tỷ đồng), hỗ trợ thực hiện các hạng mục tại Di tích đồi E2 (35 tỷ đồng trong 2 năm); Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đã hỗ trợ xây tặng 200 căn nhà tình nghĩa (kinh phí 10 tỷ đồng); Đoàn đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh tổ chức chuyến về nguồn, trao tặng công trình phòng máy với 70 máy vi tính cho Trường THCS xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, nhằm giúp các em nhỏ tiếp cận nhiều hơn trong thời kỳ công nghệ số.

9. TP. Hồ Chí Minh là thành phố sáng tạo, thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO; phấn đấu xây dựng trở thành Trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.

Ngày 14/2, TP. Hồ Chí Minh trở thành thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Đây là kết quả của quá trình thành phố tập trung vào việc xây dựng môi trường học tập suốt đời cho người dân.

Lần đầu tiên trên cả nước, 2 bệnh viện công lập của TP. Hồ Chí Minh đạt chuẩn quốc tế về chất lượng bệnh viện do 2 tổ chức có uy tín trên thế giới công nhận. Đó là Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Truyền máu - Huyết học.

10. TP. Hồ Chí Minh là thành phố của công nghiệp văn hóa, du lịch, thể thao cộng đồng, điểm hẹn của lễ hội và sự kiện.

TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Điều này cho thấy tính năng động và quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong chiến lược hợp tác phát triển công nghiệp văn hóa.

Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch lớn được tổ chức với nhiều sự tham gia của hàng trăm nghìn khán giả như Lễ Hội âm nhạc Quốc tế Hozo, Anh trai say Hi, Anh trai vượt ngàn chông gai, Liên hoan phim quốc tế TP. Hồ Chí Minh, Liên hoan sân khấu TP. Hồ Chí Minh lần 1, Lễ hội Sông nước, Giải vô địch Teqball thế giới năm 2024, Liên hoan võ thuật quốc tế TP. Hồ Chí Minh năm 2024...

Hoàng Bách (t/h)