Tính đến nay, toàn thành phố chỉ còn dưới 5.000 trường hợp F0 đang điều trị (chủ yếu là tại nhà), số ca nặng cần thở máy xâm lấn tiếp tục giảm (hiện nay chỉ còn dưới 20 ca) và không có ca tử vong do Covid-19 trong hơn 03 tuần qua.
Trong bối cảnh hầu hết người dân đã tiêm đủ các liều vaccine Covid-19, tình hình số ca mắc mới giảm, số ca nặng và tử vong giảm sâu, dịch bệnh đã được kiểm soát, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh sẽ giải thể hoạt động bệnh viện dã chiến và tất cả trạm y tế lưu động.
Cụ thể, đối với các bệnh viện dã chiến thành phố đã tạm ngưng hoạt động trước đó sẽ được giải thể. Đối với các bệnh viện dã chiến 3 tầng còn hiện hữu, sẽ duy trì hoạt động Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13, tạm ngưng hoạt động dã chiến 3 tầng số 14 và 16. Ngưng hoạt động tầng 3 của Bệnh viện dã chiến 3 tầng Tân Bình do Bệnh viện Thống Nhất phụ trách.
Ngoài ra, theo kế hoạch, thành phố ngưng hoạt động các trạm y tế lưu động, việc quản lý F0 tại nhà hiện nay do các trạm y tế đảm trách với sự trợ giúp của các công cụ chuyển đổi số, tập trung chủ yếu vào việc quản lý và chăm sóc những người thuộc nhóm nguy cơ.
Đối với các bệnh viện dã chiến tuyến huyện, nếu trong giai đoạn cao điểm dịch đã sử dụng tạm một cơ sở chức năng làm bệnh viện dã chiến thì hoàn trả lại công năng ban đầu. Đồng thời các quận, huyện phải có kế hoạch sẵn sàng mở lại bệnh viện dã chiến trong trường hợp số F0 tăng cao trở lại.
Tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố phải thực hiện đồng thời 02 chức năng, vừa thực hiện công tác khám, chữa bệnh thông thường vừa thành lập Khoa/Đơn vị điều trị Covid-19 để điều trị người mắc Covid-19 đồng thời với bệnh lý cấp/mạn tính hoặc bệnh lý nền kèm theo.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Đồng 1, 2 và Nhi Đồng Thành phố (cùng với các bệnh viện Trung ương trên địa bàn thành phố như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Quân y 175) là các bệnh viện tuyến cuối về điều trị Covid-19.
Nguyễn Tùng