Nhân kỷ niệm 62 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2023), ngày 7/8, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Hồ Chí Minh tổ chức họp mặt kỷ niệm và giới thiệu chương trình đi bộ “Vì nạn nhân da cam” nhằm tuyên truyền sâu rộng về hậu quả của chất độc da cam/đioxin và những hoạt động của Đảng, Nhà nước trong việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học, đồng thời trao tặng kỷ niệm chương “Vì nạn nhân chất độc da cam” của Trung ương hội, trao học bổng cho con cháu nạn nhân và tri ân những tấm lòng vàng đồng hành với nạn nhân da cam.
Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhìn lại chặng đường 62 năm, tuy những mất mát đau thương do chiến tranh để lại vơi dần theo năm tháng nhưng thảm họa da cam vẫn là nỗi đau âm ỉ. Hơn 4,8 triệu người Việt Nam phơi nhiễm và nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân đi lại khó khăn, người còn sống mỏi mòn vì bệnh tật...
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Hồ Chí Minh thành lập từ 2005, đến nay đã xây dựng được 15 tổ chức Hội TP. Thủ Đức quận, huyện 198 hội xã, phường, với hơn 4.753 hội viên. Trong những năm qua, Hội đã cùng với UBMTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều chương trình hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân da cam có hiệu quả như xây dựng nhà tình thương, tặng quà, hỗ trợ sinh kế.
Theo thống kê, TP. Hồ Chí Minh hiện có hơn 6.000 nạn nhân nhiễm chất độc da cam; con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là 1.123 người; nhiều gia đình có từ 2-3 người là nạn nhân; đời sống gặp nhiều khó khăn, bệnh tật triền miên. Đây là hậu quả rất nặng nề, khiến toàn xã hội không khỏi ngậm ngùi khi chứng kiến những hoàn cảnh, số phận kém may mắn đang phải từng ngày đối mặt với nỗi đau thể xác, tinh thần.
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là việc làm nhân đạo, là tiếng gọi của lương tri và trách nhiệm của toàn thể xã hội. Nhiều năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đảm bảo các chế độ về trợ cấp cho nạn nhân chất độc da cam đầy đủ, kịp thời.
Thực thi chính sách và các giải pháp huy động nguồn lực, đẩy mạnh các hoạt động “Hành động vì nạn nhân da cam” đối với nạn nhân da cam; nêu cao truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị cơ sở khảo sát, nắm tình hình, trợ cấp khó khăn, trao vốn sinh kế, sổ tiết kiệm, cấp học bổng tiếp sức đến trường, thăm, tặng quà dịp lễ, Tết Nguyên đán, Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, Ngày vì nạn nhân da cam 10/8 và hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tạo cho họ cơ hội điều kiện tự tin vươn lên, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Trong 6 tháng đầu năm, đã chăm lo 8.783 người với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng. Mỗi suất quà trị giá từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Cũng Tại lễ kỷ niệm đã giới thiệu chương trình đi bộ đồng hành “Vì nạn nhân chất độc da cam” năm 2023 do Hội tổ chức, được truyền hình trực tiếp trên VTV9 vào 6 giờ 30 ngày 12/8/2023, tổ chức tại Công viên văn hóa Đầm Sen. Đồng thời, Hội cũng giới thiệu và kêu gọi thực hiện chương trình nhắn tin từ thiện chung tay xoa dịu nỗi đau da cam năm 2023 với cú pháp: Dacam gửi 1409 (20.000 đồng/1 tin nhắn) từ 20/7 đến 19/9.
Phong Vân