THCL Gần đây, trên địa bàn các quận, huyện tại TP. HCM và một số tỉnh lân cận, xuất hiện những xe ba gác bán muối i-ốt dạo với giá cực rẻ. Thâm nhập nhằm tìm hiểu quá trình SX muối i-ốt “siêu rẻ” này, phóng viên đã phát hiện sự thật kinh hoàng.

TP. Hồ Chí Minh: Kinh hoàng lò muối bẩn - Hình 1

Ô nhiễm & quá bẩn

Theo chân những xe ba gác bán muối dạo, chúng tôi tiếp cận cơ sở SX rang muối địa chỉ B3/41 đường liên ấp 2-6, xã Vĩnh Lộc A (Bình Chánh) do một người tên Mạnh là chủ cơ sở.

Theo quan sát, hằng ngày, có nhiều xe tải lớn ra vào tấp nập. Trong số đó, chúng tôi phát hiện nhiều xe tải chở rác thải như vải vụn, nhựa, mút, xốp… vào lò muối để làm chất đốt trong quá trình hầm muối. Do không có hệ thống xử lý khói đen từ lò muối được xả bay ra lẫn vào không khí có mùi hắc nồng xộc lên, rất khó chịu. Rác thải làm chất đốt chất thành đống cao quanh khu vực sản xuất vô cùng bẩn thỉu; xung quanh lò muối là những hố nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối.

Nơi SX muối là một khu nhà dựng bằng thép, lợp mái tôn rộng khoảng 200 m2, nằm trọn trong khu vực bãi rác rộng hàng nghìn mét vuông. Những đống muối thô được đổ đầy ở đây bên cạnh những đống muối tinh đã qua chưng cất, chuẩn bị đưa vào đóng gói. Các bao muối đã đóng gói có nhãn mác: Công ty TNHH Quang Thái, địa chỉ: 18A Nguyễn Văn Bứa, ấp 6, xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn); trên nhãn có ghi: Muối sấy tinh i-ốt cao cấp (?).

Theo phản ánh của người dân, cơ sở này hoạt động liên tục cả ngày 24/24. Lượng khói đen kịt phả ra cả ngày lẫn đêm và có mùi hôi khẳm rất khó chịu. Gặp những cơn gió thì muội khói theo gió bay tràn vào nhà dân, bám lên sàn nhà, tường vào trực tiếp khí thở của người dân xung quanh khiến cuộc sống của người dân nơi đây rất khốn khổ.

Từ khi lò muối này hoạt động, môi trường xung quanh gần như bị bức tử. Nguồn nước trong khu vực đen kịt với một lớp váng dày đặc trên bề mặt do nước của cơ sở này thải ra.

Người dân đã nhiều lần gửi đơn lên UBND xã Vĩnh Lộc A phản ánh sự việc. UBND xã cũng đã cử đoàn cán bộ xuống kiểm tra. Nhưng mỗi khi đoàn kiểm tra xuống thì cơ sở này dường như “biết trước... (?!).

Đường đi của muối bẩn

Theo tìm hiểu, cơ sở này thu mua muối thô bẩn từ khắp nơi với giá rẻ mạt, sau đó về dùng rác thải độc hại hầm nấu, chưng cất thành muối tinh luyện, đóng bao bì nhãn mác của cơ sở, DN khác rồi bán cho những người bán muối dạo hoặc các đầu nậu muối tại các tỉnh lân cận với giá chỉ bằng 1/2 giá muối trên thị trường.

Từ đây, những xe ba gác sẽ luồn lách khắp các chợ, ngõ xóm, bán sản phẩm muối bẩn, không rõ nguồn gốc, đến tay người tiêu dùng. Chị V.Y (quận 6) cho biết: “Tôi thấy họ bán giá rẻ, lại thấy có nhãn mác đàng hoàng nên mua, chứ đâu biết họ SX thế nào”.

Theo một chuyên gia lâu năm trong ngành sản xuất muối, tại Việt Nam, có 2 phương pháp SX từ muối biển, SX theo phương pháp phơi cát ở miền Bắc và SX theo phương pháp phơi nước ở miền Nam. Cả 2 phương pháp này, nếu SX theo cách thức truyền thống, hầu như không tách được hết tạp chất từ nước biển. Các tạp chất tan như gốc sunfat, magiê, canxi… cần chất trợ lọc để loại bỏ.

“Để loại bỏ hết tạp chất từ nước biển, công nghệ SX muối ăn cần đầu tư máy móc trợ lọc. Tuy nhiên, đa phần cơ sở SX muối tại Việt Nam vẫn làm theo phương pháp truyền thống lạc hậu, thiếu máy móc. Cơ sở nào đầu tư tốt cũng chỉ được khoảng 30 - 40% tạp chất, một phần do chi phí bỏ ra lớn sẽ đội giá thành sản phẩm, khó bán ra thị trường; một phần khác do khâu quản lý của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ nên các cơ sở này không đầu tư. Do đó, thị trường vẫn bán song song 2 loại muối: Muối sạch và muối bẩn”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Chính quyền địa phương ở đâu, khi sức khỏe và môi trường sống của người dân đang bị đe dọa?

Đặng Long - Giang Nguyễn