Theo đó, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi giai đoạn 2026 - 2030 duy trì ở mức 3%; tiếp tục phát triển các con giống vật nuôi chủ lực của thành phố (heo, bò sữa) và trở thành trung tâm sản xuất con giống cho các tỉnh và khu vực vào năm 2030.

Đến năm 2030, chăn nuôi trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chủ yếu là trang trại quy mô vừa và lớn; hình thành vùng an toàn dịch bệnh cấp thành phố đối với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên động vật; mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã sản xuất giống vật nuôi chủ lực của thành phố.

TP. Hồ Chí Minh phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất con giống cho các tỉnh và khu vực vào năm 2030
TP. Hồ Chí Minh phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất con giống cho các tỉnh và khu vực vào năm 2030. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

Đến năm 2045, chăn nuôi thành phố là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trong đó, trình độ và năng lực sản xuất con giống của TP. Hồ Chí Minh thuộc nhóm đầu của cả nước. Khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; bệnh lây nhiễm sang người. Các sản phẩm chăn nuôi chính, bao gồm thịt, trứng, sữa được sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường.

Để thực hiện mục tiêu trên, TP. Hồ Chí Minh triển khai một số giải pháp như: Sử dụng hiệu quả quỹ đất của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV và Công ty TNHH MTV Bò sữa TP. Hồ Chí Minh để sản xuất con giống (heo, bò) chất lượng cao, cung cấp cho thành phố và các tỉnh. Chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp không hiệu quả và hiệu quả thấp sang sản xuất giống vật nuôi hoặc thâm canh các loại cỏ và cây thức ăn chăn nuôi có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cung cấp nguồn thức ăn chăn nuôi trên địa bàn thành phố.

Xây dựng các chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ để phát triển các hoạt động chăn nuôi (con giống, cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ chăn nuôi và giết mổ, bảo quản, chế biến công nghiệp) hiện đại, đồng bộ, chuỗi khép kín, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi.

Tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách về vốn nhằm tạo điều kiện thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đầu tư vào các dự án theo mô hình liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao, mô hình kinh tế số, kinh tế tuần  hoàn và các mô hình tiên tiến hiện đại khác để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn.

Mặt khác, tuyên truyền, vận động người dân giảm nhanh quy mô chăn nuôi nông hộ, tăng mạnh quy mô trang trại; tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác để giảm chi phí đầu vào, ổn định đầu ra sản phẩm chăn nuôi, nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Tập trung sản xuất con giống chất lượng cao; chăn nuôi thương phẩm theo hướng công nghiệp, hiện đại với năng suất cao. Tổ chức lại sản xuất ngành hàng theo các chuỗi liên kết theo vùng, nhóm sản phẩm.

Bên cạnh đó, nghiên cứu và phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới để cung cấp các thiết bị chuồng trại, giết mổ, chế biến; các loại thức ăn chăn nuôi, hóa chất, chế phẩm sinh học, thuốc thú y, vaccine phòng bệnh, chế phẩm sinh học xử lý môi trường trong chăn nuôi thay thế nguồn nhập khẩu.

Nguyễn Tùng