Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, các bước triển khai xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử đòi hỏi phải đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế, phải căn cứ vào các nguồn dữ liệu sẵn có đảm bảo nguyên tắc “đúng - đủ - sạch - sống”, phải kết nối liên thông với các cơ sở khám, chữa bệnh,… giúp người dân dễ dàng truy cập thông tin sức khỏe của bản thân mọi lúc mọi nơi.
Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, việc xây dựng phương án tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử đảm bảo nguyên tắc “đúng - đủ - sạch - sống” đã gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, mới đây điều này đã được các sở ngành liên quan thảo luận và thống nhất; các nguồn dữ liệu sẵn có là dữ liệu của người dân tham gia bảo hiểm xã hội, dữ liệu của người dân tham gia tiêm chủng Covid-19 và chương trình tiêm chủng mở rộng, dữ liệu dân cư.
Ngoài ra, Bộ Y tế, Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm phối hợp để thống nhất quy chế chia sẻ dữ liệu và phối hợp thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đảm bảo nguyên tắc dữ liệu số “đúng - đủ - sạch - sống” và đồng bộ để phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng của các đơn vị theo quy định của pháp luật trên phạm vi toàn quốc.
Về tạo lập dữ liệu ban đầu trên hồ sơ sức khỏe điện tử, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cho biết trước mắt sẽ tạo lập dữ liệu ban đầu của hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân thành phố dựa trên nguồn dữ liệu tiêm vắc xin phòng Covid-19 và dữ liệu tiêm chủng mở rộng.
Ngoài ra, dữ liệu sức khỏe của người dân TP. Hồ Chí Minh sẽ được tích hợp vào sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, khởi đầu là nguồn dữ liệu sức khỏe của người cao tuổi (hiện đã có trên 100.000 dữ liệu người cao tuổi).
Theo kế hoạch chương trình chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ tạo lập dữ liệu ban đầu của hồ sơ sức khỏe điện tử cho 90% người dân thành phố.
Về tạo lập dữ liệu sức khỏe trên hồ sơ sức khỏe điện tử, thông tin sức khỏe của người dân trên hồ sơ sức khỏe điện tử được tích hợp từ dữ liệu khám sức khỏe của người cao tuổi, dữ liệu khám chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh.
Ở giai đoạn đầu, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai đến các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn để thực hiện liên thông kết nối với kho dữ liệu sức khỏe của thành phố.
Như chúng ta đã biết, hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp đầy đủ thông tin về sức khỏe (tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh…). Trên cơ sở đó sẽ giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe của mình liên tục, suốt đời, giúp tăng cường kết nối giữa các cơ sở y tế, giúp bác sĩ dễ dàng truy cập thông tin sức khỏe của bệnh nhân.
Việc liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ giúp người dân dễ dàng truy cập thông tin sức khỏe của bản thân mọi lúc mọi nơi. Việc liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử trên toàn TP. Hồ Chí Minh và cả nước sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, đảm bảo đáp ứng về hạ tầng, an toàn và bảo mật thông tin và theo lộ trình triển khai chung của Bộ Y tế và Đề án 06 của Chính phủ.
Hoàng Bách (t/h)