Theo đó, đây là cơ sở để triển khai kế hoạch khám sức khỏe cho tất cả người cao tuổi trên địa bàn vào năm 2024.

Theo kế hoạch, mỗi quận, huyện tại TP. Hồ Chí Minh sẽ chọn ra ít nhất 1 phường để triển khai khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên và phải hoàn tất trước ngày 31/8.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Người cao tuổi sẽ được làm xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm tổng quát, xét nghiệm máu (định lượng glucose, định lượng creatinin, định lượng triglyceride, định lượng LDL-C).

Đồng thời, trong quá trình thăm khám, nhân viên y tế có chứng chỉ hành nghề (y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh…) sẽ đo sinh hiệu, ghi nhận một số chỉ số về chiều cao, cân nặng, vòng bụng…

Sau khi khám sức khỏe, nếu phát hiện người cao tuổi có dấu hiệu nghi ngờ các bệnh lý, nhân viên y tế sẽ giới thiệu đến bệnh viện để làm xét nghiệm chuyên sâu nếu trạm y tế không có đủ cơ sở, vật chất, trang thiết bị.

Nếu người cao tuổi không thể di chuyển đến điểm khám sức khỏe, các trạm y tế cử nhân viên y tế đến nhà tổ chức thăm khám.

Sau khi khám xong, nhân viên y tế nhập đầy đủ kết quả xét nghiệm cận lâm sàng vào phần mềm để đảm bảo dữ liệu được liên thông, kết nối vào hồ sơ sức khỏe của người dân.

Người cao tuổi sẽ được cấp phát thuốc điều trị theo gói can thiệp thiết yếu về bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu của Tổ chức Y tế thế giới (gọi tắt là WHO PEN).

Theo thống kê của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 1,033 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 11,03% trên tổng dân số. Trong đó, các địa phương có số người cao tuổi đông nhất, bao gồm: TP. Thủ Đức (95.269 người), quận Bình Thạnh (82.692 người), quận Gò Vấp (67.860 người), quận 8 (65.227 người)…

Hoàng Bách