Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố; UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố; Ban Quản lý các Khu Chế xuất và công nghiệp thành phố; Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương, Chính phủ, Thành ủy, HĐND TP. Hồ Chí Minh và UBND thành phố trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về công tác PCCC cháy và cứu nạn, cứu hộ khác; tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo, trong đó tập trung công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyến, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo về PCCC và cứu nạn, cứu hộ trên các đài phát thanh, truyền hình, gửi tin nhắn SMS đến các thuê bao di động, trên ứng dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook,...) và ứng dụng Help 14; phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy đến đông đảo quần chúng Nhân dân.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (Ảnh: KT)

Tổ chức xây dựng phong trào toàn dân PCCC với những mô hình thiết thực, hiệu quả nhất là mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng…

UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền ở khu dân cư, khu vực công cộng bằng hình thức như xe loa, xe hoa, các băng rôn, áp phích, tờ rơi trong các đợt cao điểm diễn ra các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trọng đại của đất nước trong năm 2024, nhất là dịp Lễ, tết Dương lịch, tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024;

Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình trong công tác PCCC ở khu dân cư, nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê để ở có mật độ người ở cao, nhà ngăn phòng cho thuê, chung cư, nhà cao tầng, chợ truyền thống, trung tâm thương mại, karaoke, vũ trường và các loại hình tập trung đông người…

Riêng UBND TP. Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ chủ động xây dựng kế hoạch tăng cường công tác PCCC rừng, đồng thời tổ chức thực tập phương án chữa cháy rừng. Tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra công tác PCCC rừng, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ nhằm nâng cao kiến thức, nghiệp vụ PCCC để kịp thời xử lý các đám cháy khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn.

Tăng cường lực lượng bảo vệ, bố trí người thường trực tại các chòi canh và tổ chức tuần tra, canh gác nhằm phát hiện sớm và xử lý các điểm cháy rừng. Rà soát, bổ sung các phương tiện, dụng cụ PCCC rừng phù hợp với tình hình, đặc điểm từng loại rừng…

Đối với Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý Khu công nghệ cao chủ động phối hợp Công an thành phố tổ chức tuyên truyền, kiểm tra và hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý thực hiện những biện pháp, giải pháp đảm bảo an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ; tập trung kiểm tra các kho chứa nguyên liệu, hàng hóa, xưởng sản xuất, hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, chống cháy lan, thoát nạn, giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, phương tiện chữa cháy, phương án và khả năng hoạt động của lực lượng phòng PCCC tại chỗ;

Kịp thời khắc phục những thiếu sót, tồn tại trong công tác đảm bảo an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ; nắm chắc tình hình phòng, chống hành vi gây cháy để trục lợi hoặc lẫn tránh trách nhiệm chăm lo cho công nhân, người lao động…

Phong Vân