Theo đó, nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đề nghị UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai những nội dung được phân công theo Kế hoạch an toàn sinh học, ứng phó và giám sát đối với bệnh dại, bệnh cúm gia cầm, bệnh lở mồm long móng của vùng an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

TP. Hồ Chí Minh tăng cường quản lý, kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại chợ
TP. Hồ Chí Minh tăng cường quản lý, kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại chợ (Ảnh: Thu Lê)

Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc tăng cường thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 04/2020/NĐ-CP của Chính phủ).

Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đề nghị tổ chức quản lý chợ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn và địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, mua bán động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có kiểm dịch của cơ quan thú y, bao bì hàng hóa không đúng quy định tại chợ.

Tổ chức quản lý chợ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh phải tuyên truyền, vận động thương nhân kinh doanh tại đơn vị về phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người; hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu; quản lý sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm, vật mang dữ liệu; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện truy xuất và tổ chức triển khai, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa.

Hoàng Bách (t/h)