Theo đó, TP. Hồ Chí Minh xây dựng các cơ chế, chính sách về ngoại giao văn hóa của thành phố một cách toàn diện, đồng bộ trên cơ sở phù hợp với pháp luật của Nhà nước và đường lối đối ngoại của Đảng và tình hình thực tế của địa phương. Gắn công tác ngoại giao văn hóa với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 05 năm của thành phố, tạo tính cộng hưởng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phấn đấu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện
TP. Hồ Chí Minh triển khai Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn thành phố. (Ảnh: Internet)

Xây dựng cơ chế phối hợp về ngoại giao văn hóa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban ngành, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện, đặc biệt là những địa phương có các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc trưng, tiêu biểu.

Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ngoại giao văn hóa. Trong đó, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về ngoại giao văn hóa và những nét văn hóa đặc trưng của TP. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn, buổi nói chuyện chuyên đề quán triệt nội dung về công tác ngoại giao văn hóa.

Mặt khác, tăng cường gắn kết ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Cụ thể, đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hóa với các địa phương nước ngoài có thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác với Việt Nam để tranh thủ những điều kiện hợp tác trên mọi lĩnh vực. Tích cực hoạt động, nâng cao vị thế Việt Nam nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng tại các diễn đàn song phương và đa phương, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam và TP. Hồ Chí Minh.

Đồng thời, xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến thương mại, khuyến khích đầu tư, hội chợ, triển lãm, trong đó đưa vào các chương trình quảng bá về tiềm năng và cơ hội đầu tư, giao lưu văn hóa và du lịch. Lồng ghép các hoạt động ngoại giao văn hóa vào những lĩnh vực có thế mạnh của TP như: Tổ chức các cuộc triển lãm về văn hóa, công nghiệp, kinh tế mang tầm quốc gia và quốc tế; quảng bá thủ công làng nghề, các sản phẩm địa phương, giới thiệu văn học, nghệ thuật của thành phố với bạn bè trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh quảng bá về đất nước, con người Việt Nam. Trong đó, đặc biệt, chú trọng đa dạng hóa việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các di sản văn hóa của thành phố. Đẩy mạnh xây dựng, tổ chức các chương trình giới thiệu về văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, trang phục truyền thống và những điểm đặc trưng thú vị của thành phố.

Ngoài ra, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Cụ thể, tăng cường công tác nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa, tri thức, sáng kiến, kinh nghiệm hay và phù hợp, sáng kiến khoa học tiên tiến. Kế thừa, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để hoàn thiện và phong phú hơn kho tàng văn hóa, tri thức của thành phố.

Cùng với đó, triển khai kế hoạch xây dựng Công viên hữu nghị tại thành phố, nơi đặt tượng các vĩ nhân thế giới, các lãnh tụ của các quốc gia, địa phương nước ngoài có thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác với Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.

Nguyễn Tùng