THCL Hơn 1 ngày sau khi đoạn bờ bao đê sông Sài Gòn chảy qua khu vực phường Hiệp Bình Phước (Thủ Đức, TP. HCM) bị vỡ do triều cường dâng, nước vẫn chưa rút hẳn, nhiều hộ dân rơi vào tình cảnh mất trắng tài sản, cuộc sống rơi vào khó khăn.

TP. Hồ Chí Minh: Triều cường đạt đỉnh, nhiều hộ dân trắng tay - Hình 1

Một đoạn bờ đê đã được gia cố

Theo ghi nhận của PV, đến ngày 16/11, đoạn đê bao sông Sài Gòn bị vỡ do triều cường dâng cao vào ngày hôm qua đã được gia cố. Tuy nhiên, sau hơn 1 ngày nước trong khu vực dân cư vẫn chưa rút hết. Nhiều gia đình rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” khi công sức lao động cả năm, giờ cuốn theo dòng nước.

TP. Hồ Chí Minh: Triều cường đạt đỉnh, nhiều hộ dân trắng tay - Hình 2

 Cuối đường số 7, phường Hiệp Bình Phước nước vẫn chưa rút (Ảnh Mạnh Dũng)

TP. Hồ Chí Minh: Triều cường đạt đỉnh, nhiều hộ dân trắng tay - Hình 3

Vườn mai của một hộ gia đình vẫn ngâm mình trong nước (Ảnh Mạnh Dũng)

Trước đó, triều cường dâng cao tràn bờ đê (vào khoảng 4 giờ 30 sáng ngày 15/11), lúc người dân đang ngủ nên công tác đối phó với thủy triều hết sức bị động. Nhiều tài sản không kịp di chuyển, bị ngâm trong nước, thiệt hại của người dân rất lớn, chưa thể thống kê chính xác.

Đê đã được đắp, tuy nhiên hậu quả của việc vỡ đê để lại rất lớn, hàng nghìn gốc mai đang trong gia đoạn chăm sóc để chuẩn bị đón Tết Đinh Dậu (2017) của hàng chục hộ gia đình ở Tổ 4 (Khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước) vẫn đang trong tình trạng ngập chìm trong nước. Nhiều hộ dân lo sợ, nước không rút sẽ làm cho lá mai rụng và ra hoa sớm trước dịp Tết Nguyên đán, ngập lâu hơn nữa cây thối rễ sẽ chết. Tổng thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.

Ông Đ.Q.T (ngụ Hiệp Bình Phước, Thủ Đức) cho biết: “Một năm chỉ có trông chờ vào một vụ mai, giờ nước ngập như vậy coi như tôi trắng tay. Nước dâng cao, cá nuôi trong ao cũng lần lượt trôi ra đường hết. Năm nay, chắc khỏi ăn Tết, chỉ tội mấy đứa nhỏ”.

Cùng chung tâm trạng, bà N.T.K (ngụ Hiệp Bình Phước, Thủ Đức) nhìn ra vườn mai buồn rầu: “Người dân sống quanh khu vực làm nông nghiệp truyền thống, trước đây trồng lúa, nay chuyển sang trồng mai. Chưa đến 2 tháng nữa là thu hoạch mà giờ hư hại hết, cả vườn chắc phải bỏ, tiếc lắm. Cá nuôi trong ao cũng chẳng bán được, tiền vay người ta đầu tư vào đó hết, nay không biết lấy đâu mà trả, cũng không biết sống tiếp sao đây. Đầu tư gần cả gần trăm triệu, nhưng không thu về được đồng nào”.

Tình trạng ngập úng tại các nhà vườn vẫn tiếp diễn. Người dân đang cố gắng khắc phục hậu quả nghiêm trọng của thủy triều dâng cao. Tuy nhiên, nước chưa thể rút hết nên người dân chỉ còn cách bất lực đứng nhìn tài sản đang bị nước nhấn chìm.

Vào năm 2015, nước sông dâng cũng biến nơi đây trở thành bể nước. Nhưng năm nay, nước dâng cao hơn, được coi là lịch sử ở khu vực này.

Mất mùa 2 năm liên tiếp như vậy khiến cuộc sống người dân rơi vào khó khăn. Khi xảy ra sự việc cho đến sáng hôm nay, chính quyền lãnh đạo địa phương đã có mặt kịp thời đến từng nhà nắm bắt tình hình, động viên người dân; cùng người dân đắp lại bờ bao đê tìm hướng khắc phục hậu quả của thủy triều dâng cao.

Ngoài ra, hiện một số tuyến đường đi vào khu vực này còn ngập chìm trong nước, việc đi lại của người dân hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, thủy triều tại sông Sài Gòn chưa có dấu hiệu giảm. Theo dự đoán của Trung tâm Khí tượng thủy văn, ngày 16/11, đỉnh triều vẫn còn duy trì ở mức cao.

Mạnh Dũng