Hội nghị nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh và phù hợp với nhu cầu của thị trường, hạn chế sự trùng lặp với các địa phương trong vùng, góp phần thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tầm nhìn đến năm 2030.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, để ngành du lịch Long An phát triển theo kịp với các tỉnh vùng ĐBSCL thì một trong những giải pháp được tỉnh luôn coi trọng là phát triển sản phẩm du lịch, đây là yếu tố quan trọng nhằm phát triển, thu hút du khách và nhà đầu tư.
“Với sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh, cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ, phối hợp của của các địa phương, mà đặc biệt là TPHCM, hơn ai hết, lãnh đạo và người dân tỉnh Long An rất mong du lịch tỉnh nhà sẽ có bước phát triển ấn tượng trong những năm tới, tạo động lực cho một thời kỳ phát triển kinh tế nhanh, bền vững của tỉnh”, ông Nguyễn Văn Út nói.
Đánh giá thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Long An từ năm 2011 đến nay, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, TP. Hồ Chí Minh xác định tỉnh Long An nói riêng và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long nói chung có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng, phù hợp với thị trường khách du lịch TP. Hồ Chí Minh như sản phẩm du lịch gắn với sông nước miệt vườn, sản phẩm du lịch sinh thái dã ngoại, sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử, sản phẩm du lịch gắn với ẩm thực đồng quê Nam Bộ…Long An cũng là thị trường khách du lịch đến TP. Hồ Chí Minh với các sản phẩm du lịch chủ lực như: du lịch đô thị, du lịch mua sắm, giải trí, chăm sóc sức khỏe, văn hóa – lịch sử… và kết nối đến các tỉnh lân cận.
Đề xuất nội dung đẩy mạnh liên kết trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hai địa phương cần tập trung trao đổi kinh nghiệm tổ chức thực hiện các bộ tiêu chí đánh giá an toàn và xây dựng bản đồ số du lịch an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Khảo sát, phát triển tuyến du lịch đường thủy để khai thác thế mạnh sông nước; xây dựng tour cho du khách trải nghiệm được “Một hành trình – nhiều điểm đến”.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho rằng để kích hoạt hoạt động du lịch liên tuyến giữa TP. Hồ Chí Minh và Long An, thì 2 địa phương cùng chỉ đạo các sở ngành chức năng khẩn trương phối hợp thống nhất các tiêu chí an toàn trong lĩnh vực du lịch, để làm cơ sở tổ chức các chương trình du lịch liên tỉnh.
Đồng thời, chỉ đạo Sở GTVT của 2 địa phương cùng thống nhất phương thức lưu thông cho doanh nghiệp du lịch và khách du lịch theo hướng thuận lợi nhất, cung cấp đầu mối phối hợp hỗ trợ vận chuyển liên tuyến. Ngành du lịch phối hợp tổ chức các chương trình tour thí điểm “hai điểm đến một cung đường”, chuẩn bị sản phẩm cho kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp đến, trên cơ sở đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng chống dịch. Thời điểm bắt đầu cho các chương trình liên tỉnh là từ tháng 11/2021.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng đề nghị 2 địa phương tiếp tục phát huy các nội dung liên kết trong đó tập trung cho công tác phối hợp tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm giới thiệu đến du khách các sản phẩm du lịch đặc sắc và an toàn của 2 địa phương. Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch, đảm bảo cho việc khôi phục và phát triển hoạt động du lịch bền vững, an toàn.
Dịp này, UBND Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng trao tặng 20 máy trợ thở phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 cho tỉnh Long An.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, đoàn công tác của UBND TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Long An cùng nhiều doanh nghiệp lữ hành có chuyến khảo sát các điểm du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười và Trung tâm bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười...
Trong 9 tháng đầu năm, tỉnh Long An đón khoảng 270.000 lượt khách, giảm 43% so với cùng kỳ, đạt 30% so với kế hoạch; doanh thu 9 tháng ước đạt 140 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ, đạt 28% so với kế hoạch.
Nguyễn Tùng – Hoàng Dương