Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 16.898 ca số xuất huyết, trong đó có 2 ca tử vong. Riêng trong tuần 42, thành phố ghi nhận 721 ca bệnh, gồm 303 ca nội trú và 418 ca ngoại trú. Trong đó, các quận 1, quận 3, huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè, quận Phú Nhuận và Tân Phú đều có số ca tăng so với trung bình 4 tuần trước.
Trước tình hình phát sinh thêm nhiều ổ dịch sốt xuất huyết ở các quận huyện, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị các Trung tâm y tế quận, huyện lưu ý theo dõi diễn tiến của ổ dịch trên bản đồ GIS, phát hiện và xử lý các điểm nguy cơ liên quan đến ổ dịch để xử lý triệt để, không để dịch lan rộng, kéo dài. Bên cạnh đó, đánh giá phường xã có nguy cơ dựa vào số ca bệnh hàng tuần và chỉ số véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue để từ đó đề xuất các chiến dịch diệt lăng quăng cũng như phun hóa chất chủ động kịp thời và hợp lý.
Các nốt ban đỏ nổi trên da, dấu hiệu đặc trưng của bệnh sốt xuất huyết - Ảnh: BVCC
Trước đó, cũng tại địa phương này đã có một số ca tử vong vì sốt xuất huyết. ThS Lê Hồng Nga, trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết hiện nay tại TP.HCM mỗi tuần có 500-600 ca sốt xuất huyết.
Sốt xuất huyết khác với các bệnh truyền nhiễm khác đó là diễn biến nặng thường vào ngày thứ 5-7 của bệnh, thời điểm bệnh nhân thường giảm hoặc hết sốt. Vì vậy, bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm ngay từ đầu để có chiến lược theo dõi, điều trị cho phù hợp.
Thiên Trường