Người dân làng gốm Nam Diêu rước tổ, nghinh thần về đình thờ tổ nghề
Các bô lão tế lễ tổ nghề
Luôn ghi nhớ công đức của người đi trước đã truyền “lửa” nghề cho dân làng, cứ vào mùng 10.7 âm lịch hàng năm, dân làng nơi đây trịnh trọng tổ chức ễ giỗ tổ nghề gốm.
Rất sớm người dân làng trong trang phục truyền thống đi nghinh kiệu rước tổ, nghinh thần về nhà thờ tổ nghề. Với mong ước tổ nghề đọ trì bình an, quốc thái dân an, đời sống và sung túc.
Nghệ nhân Nguyễn Lành (87 tuổi) cho biết: “Đối với người làng Nam Diêu, đây là lễ quan trọng nhất, trở thành tục lệ của làng mấy trăm năm nay. Ngoài tưởng nhớ và tri ân tổ nghề thì còn là dịp để các nghệ nhân chia sẻ kinh nghiệm và truyền lại cho lớp trẻ, để những thế hệ sau này gìn giữ và phát triển nghề của cha ông để lại”.
Lễ giỗ tổ năm nay được tổ chức long trọng hơn các năm. Ngoài phần lễ, phần hội cũng rất phong phú với phần thi chuốt gốm, nặn con thổi, sáng tạo mẫu gốm Thanh Hà, đua thuyền, kéo co… Lễ hội còn có sự tham gia giao lưu của nghệ nhân từ các làng gốm truyền thống trong cả nước.
Nhà nghiên cứu gốm đến từ Nhật Bản - Kurashiky Sakuyo Univeristy chia sẻ: “Tôi nghiên cứu rất nhiều loại gốm trên thế giới và vùng Đông Nam Á nói riêng. Qua đó nhận thấy chất liệu gốm tại Việt Nam rất phong phú, không nơi nào giống nơi nào. Gốm Thanh Hà cũng rất lạ, từ chất liệu đất, kỹ nghệ, nghệ thuật đến khâu sản xuất và nung…, hầu như là làm thủ công. Trước đây tôi tình cờ phát hiện một số mẫu gốm làng Thanh Hà có mặt tại Nhật Bản từ khoảng thế kỷ 17-18. Chính điều lạ ấy đã khiến tôi có mặt tại làng Nam Diêu hôm nay để tìm hiểu về nguồn gốc của nó”.
Nghệ nhân gốm làng Bầu Trúc (Ninh Thuận) giao lưu gốm Chăm
Chủ tịch UBND phường Thanh Hà - ông Nguyễn Văn Tú cho biết: Làng gốm Thanh Hà hiện thu hút đông đảo khách du lịch trong - ngoài nước và xu hướng ngày càng tăng. Năm 2017, làng thu hút 384 nghìn lượt khách, đạt doanh thu từ bán vé 10,5 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm đến nay, làng đón khoảng 200 nghìn lượt khách, đạt doanh thu từ bán vé 7,5 tỷ đồng.
Hội đua thuyền
Để gìn giữ giá trị của làng nghề truyền thống xưa, vừa bảo vệ nét văn hóa lâu đời vừa thu hút khách du lịch, TP.Hội An đã đầu tư cơ sở hạ tầng, phục dựng cảnh quan của làng, đặc biệt là chi trả lương cho các hộ và các lao động tại làng nghề. Tất cả kinh phí chi trả được trích từ tiền bán vé tham quan.
Mộc Thảo