TP. Pleiku (Gia Lai): Hai đối tượng lãnh án vì phá rừng phòng hộ - Hình 1

Bị cáo Kơ Pă PLí tại phiên tòa

Theo 2 bảng cáo trạng, vào khoảng đầu năm 2015, tại rừng phòng hộ thuộc khoảnh 1, tiểu khu 356, lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ thuộc xã Ia Kênh thành phố Pleiku, Kơ Pă PLí đã dùng dao rựa chặt hạ 132 cây thông 3 lá và ken chết 78 cây thông 3 lá trên diện tích 3.200 m2 để lấy đất trồng cà phê.

Đến ngày 23/8/2016, hành vi của Kơ Pă PLí đã bị Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ phát hiện và lập biên bản về việc phá rừng trái phép. Kết quả tính toán sản lượng gỗ thông đã bị triệt hạ là 8,718 m3,giá trị rừng bị thiệt hại bằng tiền là 4.905.624 đồng.

Cũng vào thời gian và địa điểm trên, Kpă Yir đã dùng dao rựa chặt hạ 369 cây thông 3 lá và ken chết 246 cây thông ba lá trên diện tích 11.753 m2 để lấy đất trồng cà phê. Đến ngày 4/8/2016, hành vi của Kpă Yir đã bị ban quản lí rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ phát hiện và lập biên bản về việc phá rừng trái phép. Sản lượng gỗ thông bị triệt hạ là 25,530 m3, giá trị rừng bị thiệt hại bằng tiền là 14.366.471 đồng.

TP. Pleiku (Gia Lai): Hai đối tượng lãnh án vì phá rừng phòng hộ - Hình 2

Bị cáo Kpă Yir tại phiên tòa

Qua quá trình điều tra và xét xử, xét thấy hành vi dùng dao rựa để ken cây, chặt cây và đốt rừng phòng hộ trái phép là nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến sự bền vững và ổn định của môi trường gây thiệt hại đến môi trường sinh thái. Hành vi của Kơ Pă PLí và Kpă Yir đã phạm vào tội “Hủy hoại rừng” quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 189 Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên, xét thấy cả 2 bị cáo đều là người dân tộc thiểu số, có nhân thân tốt chỉ vì thiếu hiểu biết ( Kơ Pă PLí trình độ học vấn 3/12, Kpă Yir trình độ học vấn 1/12) nên không biết hành động của mình là vi phạm pháp luật, các bị cáo đã thành thật khai báo. Vì các lẽ đó toà án nhân dân thành phố đã tuyên án bị cáo Kơ Pă PLí 15 tháng tù và buộc trao trả toàn bộ diện tích đất đã lấn chiếm, bị cáo Kpă Yir 42 tháng tù và buộc trao trả 11.753 m2 đất đã lấn chiếm.

Điều 189 (Bộ luật Hình sự) - Tội huỷ hoại rừng:

1. Người nào đốt, phá rừng trái phép rừng hoặc có hành vi khác huỷ hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; c) Hủy hoại diện tích rừng rất lớn; d) Chặt phá các loại thực vật quý hiếm thuộc danh mục quy định của Chính phủ; đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn; b) Hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 Kim Yến