Sau gần 3 năm thực hiện chương trình xây dựng “Đô thị văn minh, công dân thân thiện”, TP. Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư chuyển biến rõ nét, nhiều khu đô thị mới được hình thành với không gian kiến trúc đẹp, hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại. Thành phố cũng ưu tiên nguồn vốn cho các dự án hạ tầng trọng điểm, tạo động lực cho phát triển và thu hút đầu tư, bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa các phường, xã.
Công tác xã hội hóa được đẩy mạnh, Nhân dân thành phố đã hiến 18.250 m2 đất ở, 10.300 m2 đất nông nghiệp với tổng số tiền trên 92 tỷ đồng; tự tháo dỡ công trình trên đất trị giá hơn 11 tỷ đồng; đóng góp 8,6 tỷ đồng cùng nhiều ngày công để làm đường giao thông, các công trình phúc lợi, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa...
Quyết tâm lập lại trật tự đô thị, UBND thành phố đã ban hành 18 phương án và tổ chức nhiều đợt ra quân xóa bỏ các điểm kinh doanh tự phát, chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ; sắp xếp vị trí đậu đỗ xe ô tô, xe máy tại các tòa nhà chung cư và một số tuyến đường trung tâm; thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về quy hoạch, vệ sinh môi trường. Qua kiểm tra, thành phố đã ban hành 170 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; 13 quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả; 11 quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Việc xây dựng nếp sống văn hóa có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2021, thành phố có 77.040 gia đình được công nhận gia đình văn hóa, 254/311 phố, thôn được công nhận khu dân cư văn hóa. Năm 2022, có 77.966 gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 263/311 phố, thôn được công khu dân cư văn hóa. Kiểm tra và xét đề nghị công nhận 72/145 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa lần đầu; 29 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa giai đoạn. Hiện nay, thành phố có 88/204 phường, xã, cơ quan, đơn vị đạt tiêu chí kiểu mẫu, đạt 43,1% (vượt 2,8% so với chỉ tiêu đề ra).
Cuộc vận động “Người dân TP. Thanh Hóa nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện” được triển khai có trọng tâm, trọng điểm. 11 nội dung thông điệp cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh đô thị, kỷ cương, nêu gương, trách nhiệm đã góp phần hình thành nên những chuẩn mực văn hóa, văn minh mới trong đời sống xã hội của người dân thành phố. Các phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động được MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai hiệu quả, nhận được sự quan tâm của đông đảo Nhân dân.
Tại hội nghị, thành phố cũng đã báo cáo việc tổ chức thực hiện thông báo Kết luận số 578-TB/VPTU ngày 8/4/2022 của Thường trực Thành ủy về công tác đảm bảo trật tự đô thị, trật tự xây dựng, quản lý đất đai, kiến thiết thị chính và vệ sinh môi trường trên địa bàn TP. Thanh Hóa.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện cuộc vận động; đồng thời chỉ rõ một số hạn chế và đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Anh Xuân, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Thanh Hóa nhấn mạnh: Qua gần 3 năm thực hiện chương trình xây dựng “Đô thị văn minh, công dân thân thiện”, trọng tâm là cuộc vận động “Người dân TP. Thanh Hóa nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện”, đã tạo được sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.
Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch tất cả các mục tiêu đề ra, ông đề nghị cần xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện với quyết tâm cao. Cấp ủy từ thành phố đến phường, xã cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện tốt cuộc vận động cũng như Kết luận số 578 của Thường trực Thành ủy.
Tại hội nghị, các đồng chí lãnh đạo thành phố đã trao Giấy khen của Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa cho 39 tập thể, 39 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP. Thanh Hóa nói lời hay, làm việc tốt, hành động thân thiện”.
Lê Nam