Các em học sinh trường THCS Điện Biên. TP. Thanh Hóa tham quan thực tế
Các em học sinh trường THCS Điện Biên. TP. Thanh Hóa tham quan thực tế tại Bảo tàng Thanh Hóa

Sau khi xem xét các điều kiện để thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ trong 5 ngày đối với các trường THCS trên địa bàn thành phố theo Thông tư 36 (ngày 27/9/1999) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Thanh Hóa báo cáo và xin ý kiến của Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa cho phép các trường THCS được thực hiện dạy và học 5 ngày/tuần từ thứ Hai đến thứ Sáu, nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật.

Việc triển khai dạy và học 5 ngày/tuần phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoàn thành nội dung, chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo kế hoạch thời gian năm học; đảm bảo số lượng, chất lượng và hiệu quả.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Thanh Hóa, việc tổ chức dạy và học 5 ngày/tuần nhằm tạo điều kiện để các trường có thời gian vào thứ Bảy và Chủ nhật tổ chức các hoạt động giáo dục khác như: Giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động thể dục thể thao, phụ đạo học sinh có học lực chưa đạt, bồi dưỡng học sinh giỏi, tổ chức sinh hoạt chuyên môn cho đội ngũ giáo viên...

Việc thực hiện chương trình này sẽ giúp các trường nâng cao chất lượng giảng dạy, phát triển toàn diện cho học sinh và đáp ứng yêu cầu đổi với giáo dục trong tình hình hình hiện nay.

Thời gian thực hiện từ ngày 17/2/2025.

Hiện nay, TP. Thanh Hoá và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện dạy và học 6 ngày/tuần đối với bậc học THCS.

Các em học sinh THCS tại TP. Thanh Hóa tham gia Buổi sinh hoạt ngoại khóa của bộ môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp
Các em học sinh THCS tại TP. Thanh Hóa tham gia buổi sinh hoạt ngoại khóa của bộ môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Được biết, trước đó có 7 địa phương là Phú Thọ, Lai Châu, Lào Cai, Hà Nội, TP. Hà Tĩnh, TP. Nha Trang, TP. Vinh thí điểm dạy học 5 ngày/tuần, cho học sinh nghỉ trọn thứ Bảy, Chủ nhật. Trong đó, tỉnh Lào Cai bắt đầu thí điểm từ năm học 2019-2020. Sau thời gian thực hiện thí điểm tỉnh ghi nhận được nhiều kết quả tích cực, nâng cao chất lượng giáo dục, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học. Hiện Lào Cai tiếp tục thực hiện dạy 5 ngày/tuần, nghỉ thứ Bảy với cấp tiểu học và THCS; chưa thực hiện ở bậc THPT do điều kiện cấp học này chưa đáp ứng.

Tại Nghệ An, nhiều trường THCS ở TP. Vinh và các huyện miền núi thí điểm cho học sinh nghỉ học thứ Bảy từ năm 2023, căn cứ trên cơ sở vật chất của nhà trường đáp ứng lịch học 2 buổi/ngày. Từ đầu năm học 2024 - 2025, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh cũng cho phép thí điểm dạy học 5 ngày/tuần, nghỉ ngày thứ Bảy, Chủ nhật với học sinh THCS tại TP. Hà Tĩnh.

Bắt đầu từ học kỳ 2 năm học 2024-2025, tỉnhPhú Thọ thí điểm dạy học 5 ngày/tuần, bao gồm cả dạy học các môn học, tổ chức hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ chính khóa, học sinh được nghỉ ngày thứ Bảy. Việc thí điểm này áp dụng với khối 6, 7, 8, 10, 11. Tại Hà Nội, việc nghỉ học thứ Bảy được áp dụng với phần lớn các trường tư thục và trường THCS chất lượng cao.

Ở khối công lập, hai trường áp dụng chính sách này là trường THPT Phan Huy Chú và trường THPT Yên Hòa.

Từ năm 2019, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn về việc dạy học hai buổi mỗi ngày với cấp THCS và THPT. Theo đó, nếu dạy cả ngày, các trường không được dạy quá 4 tiết buổi sáng với bậc THCS, 5 tiết với THPT. Số tiết tối đa buổi chiều là 3 tiết, tối đa 1 tuần là 42 với cấp THCS và 48 với cấp THPT.

Các trường được chủ động trong việc bố trí lịch học 5 hoặc 6 ngày/tuần. Tuy nhiên, việc triển khai học 2 buổi/ngày và 5 ngày/tuần liên quan tới cơ sở vật chất, số phòng học cũng như đội ngũ giáo viên.

Việc sắp xếp thời gian cho các em khối THCS và khối THPT được nghỉ ngày thứ Bảy nhận được hầu hết sự đồng ý của các bậc phụ huynh và các em học sinh bởi kéo dài thời gian nghỉ ngơi và tăng tính tập trung cho việc học trong tuần.

Khánh An